Máy bay A320 rơi: Cơ trưởng đã tự sát?

Thứ năm, ngày 26/03/2015 11:02 AM (GMT+7)
"Nếu cơ trưởng muốn tự sát và không muốn cơ phó vào bên trong buồng lái, anh ta sẽ không có cách nào vào được".
Bình luận 0

Ngày 25/3, một điều tra viên Pháp tiết lộ thông tin gây chấn động rằng kết quả phân tích dữ liệu ghi âm buồng lái cho thấy một trong hai phi công của chiếc máy bay Airbus A320 đâm xuống dãy Alps của Pháp khiến 150 người thiệt mạng đã bị khóa ở bên ngoài buồng lái trước khi thảm kịch xảy ra.

Quan chức giấu tên này tiết lộ với tờ New York Times của Mỹ: “Một phi công đã ra ngoài ngay trước khi máy bay giảm độ cao, và anh ta không thể vào trở lại được buồng lái. Bạn có thể nghe thấy anh ta cố tìm cách đạp bung cửa buồng lái nhưng không hiệu quả”.

Trả lời phỏng vấn tờ SMH, một phi công người Úc giấu tên chuyên lái máy bay A320 cho biết nhiều khả năng viên cơ phó đã bị nhốt ở bên ngoài buồng lái, và cơ trưởng đã cố tình không cho anh ta vào bên trong, trong khi thực hiện một vụ tự sát kinh hoàng kéo theo sinh mạng của 149 người khác.

img
Hiện trường thảm khốc nơi chiếc máy bay đâm vào sườn núi

 

Theo phi công người Úc này, cửa buồng lái máy bay A320 được thiết kế một bàn phím khẩn cấp, và trong trường hợp cửa bị khóa, phi công bên ngoài có thể nhập một mã bí mật để mở cửa. Thiết kế này được tạo ra để đề phòng trường hợp khi phi công điều khiển máy bay bị bất tỉnh, người bên ngoài vẫn có thể vào được bên trong buồng lái sau một thời gian nhất định nếu nhập đúng mã bí mật.

Thế nhưng, trong trường hợp cơ trưởng bên trong buồng lái đang muốn thực hiện một vụ tự sát và cố tình không để viên cơ phó vào bên trong, anh ta hoàn toàn có thể làm điều đó trước khi cánh cửa tự động mở ra.

Phi công người Úc nói: “Nếu phi công bên trong buồng lái không muốn bạn vào, dù bạn có nhập đúng mã bí mật đi chăng nữa, bạn cũng không thể vào bên trong”.

img
Cửa buồng lái máy bay A320 được thiết kế rất chắc chắn để đề phòng khủng  bố

 

Ông nói thêm rằng cửa buồng lái máy bay A320 là loại cửa được gia cố và bảo vệ rất chặt chẽ, khiến viên cơ phó khó có thể đạp bung hoặc phá được nó trong vài phút, ngay cả khi được hành khách hoặc tiếp viên hỗ trợ.

Ở Mỹ, hầu hết các hãng hàng không đều thực hiện chính sách “hai người trong buồng lái”, có nghĩa là nếu một phi công cần ra ngoài đi vệ sinh hoặc làm bất cứ điều gì khác, một tiếp viên bắt buộc phải bước vào buồng lái.

Ông Ron Bartsch, cựu giám đốc an toàn của hãng hàng không Qantas cho biết các cửa buồng lái của máy bay được gia cố rất chắc chắn để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập, nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi”.

Ông nói: “Cánh cửa này khiến buồng lái trở thành nơi không thể tiếp cận, đối với người khác và cả với phi công bị nhốt bên ngoài. Bạn không thể nghĩ ra một giải pháp phù hợp cho tất cả mọi tình huống”.

Chiếc máy bay của hãng Germanwings đã lao từ độ cao hơn 11.000 mét xuống 1.800 mét chỉ trong vài phút ngắn ngủi trước khi đâm vào một ngọn núi thuộc dãy Alps. Theo viên phi công người Anh, trong trường hợp phi công trong buồng lái bị bất tỉnh, máy bay sẽ không lao xuống như vậy mà tiếp tục bay bằng nhờ chức năng tự lái.

Cũng theo viên phi công này, máy bay A320 được trang bị một chức năng “hạ độ cao nhanh” giúp phi công có thể thao tác bằng tay để đưa máy bay xuống độ cao đã định trên đường bay. Chức năng này thường được sử dụng trong trường hợp máy bay bị giảm áp, buộc phi công phải đưa máy bay xuống độ cao dưới 3.000 mét càng nhanh càng tốt để đảm bảo hành khách không bị ngạt thở.

img
Nếu cơ trưởng không muốn ai vào buồng lái, sẽ không ai có thể vào được

 

Tuy nhiên, chức năng “hạ độ cao nhanh” này đòi hỏi phi công phải đặt trước độ cao nhất định cho máy bay trước khi lao xuống. Trong trường hợp máy bay bị giảm áp, mức cài đặt độ cao tiêu chuẩn là 3.048 mét, thế nhưng chiếc máy bay gặp nạn này đã lao xuống độ cao khoảng 1.800 mét trước khi đâm vào núi.

Đây chỉ là nhận định của một phi công giàu kinh nghiệm, nguyên nhân chính xác khiến máy bay gặp nạn hiện vẫn đang được điều tra, và chưa có kết luận chính thức nào về việc phi công đã cố tình cho máy bay đâm xuống đất.

Ông Bartsch nói rằng ông không muốn đưa ra bất cứ dự đoán nào cho cuộc điều tra, tuy nhiên giả thuyết phi công tự sát “không phải là không phù hợp với những thông tin hiện nay, chẳng hạn như về đường bay và sự im lặng khó hiểu của phi công trước các tín hiệu liên lạc của kiểm lưu”.

Ông nói: “Nếu như phi công cố tình tự sát, họ chắc chắn sẽ không trả lời kiểm lưu. Ngay cả khi một tiếp viên khác có mặt trong buồng lái, người đó chưa chắc đã ngăn được thảm họa nếu phi công quyết tâm đâm xuống”.

Trong lịch sử đã từng có những trường hợp phi công cố tình lao máy bay xuống đất để tự sát, trong đó có vụ tai nạn của máy bay số hiệu 470 của hãng hàng không LAM (Mozambique) vào năm 2013. Trong vụ này, cơ trưởng đã nhập số liệu ra lệnh cho máy bay đâm thẳng xuống đất ngay sau khi cơ phó vừa ra ngoài, khiến toàn bộ 33 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm 1997, chiếc máy bay Boeing 737 mang số hiệu 185 của hãng hàng không Silkair từ Jakarta tới Singapore cũng đã đâm xuống đất ngay sau khi cơ trưởng vừa rời khỏi buồng lái.

Trí Dũng (Theo SMH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem