Các máy bay Boeing C-40A Clipper thuộc biên chế hải quân Mỹ.
Theo SCMP, trong khi các nhà phân tích ở đại lục nhận định rằng động thái mới trên là cách thử phản ứng của Bắc Kinh, các nhà quan sát Đài Loan nhận định rằng mỗi Bắc Kinh có ý định “bắt nạt” hòn đảo, máy bay và tàu chiến Mỹ lại xuất hiện một cách công khai.
Chieh Chung, nhà phân tích an ninh quốc phòng ở Đài Loan, nhận định rằng thời gian gần đây, Mỹ đã cố tình bật hệ thống định vị trên máy bay, tàu chiến, để các nhà quan sát quân sự có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động của Mỹ gần Đài Loan.
“Đây là cách Washington gửi thông điệp cảnh báo đến Bắc Kinh, và cũng để thông báo với các quốc gia khác rằng Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực”, ông Chiech nói.
“Bằng cách này, Mỹ củng cố liên minh quân sự với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác để cùng đối phó Trung Quốc ở khu vực Đông Á”.
Chuyến bay quân sự diễn ra hôm 9.6 được giới phân tích đánh giá là động thái “hiếm có”. Máy bay vận tải quân sự C-40A cất cánh từ căn cứ ở Okinawa, bay thẳng qua đảo Đài Loan và cuối cùng hạ cánh ở Thái Lan.
Toàn bộ hành trình chuyến bay được công khai. Boeing C-40 Clipper là phiên bản quân sự của máy bay chở khách Boeing 737-700C, chuyên dùng để chở khách vip là quan chức chính trị Mỹ.
Đường bay của chiếc Boeing C-40A qua đảo Đài Loan.
“Bằng cách đưa máy bay quân sự qua không phận Đài Loan, Mỹ đang muốn thử phản ứng của Bắc Kinh”, Zhu Songling, giáo sư Viện Nghiên cứu Đài Loan ở Bắc Kinh, nhận định.
Một nguồn tin khác còn cho rằng máy bay Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Ching Chuan Kang. Phía Đài Loan đã bác bỏ thong tin này.
Đài Loan khẳng định máy bay quân sự Mỹ có quyền bay qua không phận nhưng chuyến bay này không dừng ở bất kì đâu trên hòn đảo.
Chen Xinxin, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói nếu máy bay Mỹ có dừng lại ở sân bay Đài Loan thì đây là hành động thách thức nghiêm trọng với Trung Quốc.
Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư Đại học Tamkang ở Đài Bắc, nói đây không phải lần đầu tiên máy bay quân sự Mỹ bay qua không phận Đài Loan, nhưng các chuyến bay như vậy trước đây thường được giữ kín.
“Lần này, Mỹ đã công khai hành trình bay, bật thiết bị phát tín hiệu trong suốt quãng đường bay qua Đài Loan. Phi công hải quân Mỹ tỏ ra khá quen thuộc với đường bay này”, ông Huang nhận định.
Ông Huang nói Mỹ và Đài Loan đang thể hiện mối quan hệ gắn bó qua các chuyến bay quân sự như vậy. “Nếu không có sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, không một vùng lãnh thổ nào cho phép máy bay quân sự của nước khác bay qua không phận”, ông Huang nói.
Theo ông Huang, điều mà giới quan sát chú ý trong tương lai là liệu các chuyến bay quân sự như vậy có diễn ra với tần suất gia tăng hay không.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.