Miễn thuế đất nông nghiệp thêm 5 năm: Đòn bẩy cho nông nghiệp sau dịch Covid-19?
Miễn thuế đất nông nghiệp thêm 5 năm: Đòn bẩy cho nông nghiệp sau dịch Covid-19?
Quang Dân
Thứ sáu, ngày 01/05/2020 17:41 PM (GMT+7)
Chính phủ vừa trình Tờ trình đề xuất tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp 5 năm tới, với mong muốn là đòn bẩy hỗ trợ nông dân, nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Mới đây, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Theo ông Dũng, chính sách miễn, giảm thuế là giải pháp có tác động lớn, quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Do đó, Chính phủ đề xuất QH ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Việc này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện.
"Với số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn", ông Dũng nói.
Không đủ để tạo đà bứt phá cho nền nông nghiệp
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nếu việc miễn thuế SDĐNN thêm 5 năm được Quốc hội thông qua, thì đây sẽ là một đòn bẩy hỗ trợ nông dân, nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
"Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước giảm không đáng kể, tuy nhiên nguồn ra trên thị trường thế giới thì bị giảm rất nhiều, đặc biệt là nông sản bán ra các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... khiến ngành nông nghiệp vô cùng khó khăn. Do vậy, nếu Chính phủ miễn thuế SDĐNN trong 5 năm tới sẽ giúp rất nhiều cho ngành nông nghiệp hiện tại", ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, số tiền 7.500 tỷ đồng/năm không phải là số tiền quá nhiều nếu tính trên cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện tại. Nền nông nghiệp luôn là mũi nhọn cho kinh tế nước nhà, khi số lượng lao động làm việc trong ngành rất lớn. Bên cạnh đó, nông sản có những sản phẩm đã tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới như gạo, cafe.. Ngoài những khó khăn như thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn gây khó khăn cho người làm nông nghiệp, trong tương lai chúng ta còn phải đối phó với mất mát đầu ra cho những thị trường trên thế giới.
Chính vì thế, ông Hiếu cho rằng, việc miễn thuế chỉ hỗ trợ được một phần nào những công ty có quy mô nhỏ cho hiện tại, còn để khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn thì không đủ để tạo đà bứt phá cho nền nông nghiệp trong thời gian tới, thì Chính phủ phải tạo được ngòi nổ nặng ký hơn.
"Nhà nước cần có những chương trình cho vay dành cho nhà nông với thời hạn dài, lãi suất thấp và thời gian ân hạn trả nợ ít nhất một năm kể từ khi vay nguồn vốn. Đồng thời, khuyến khích người Việt sử dụng hàng Việt, để phần nào hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện tại" ông Hiếu nhấn mạnh.
Đánh giá về dự thảo Nghị quyết này Tiến sĩ Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, với mặt hiệu quả và tích cực đưa lại, nhiều khả năng Quốc hội sẽ đồng ý thông qua.
Thế nhưng, Tiến sĩ Ngô Trí Long lưu ý, Chính phủ cần phải có đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, không nên tràn lan, làm sao chính sách này tác động tích cực để khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí đất đai.
Theo ông Long, thực tế đất bỏ hoang, sử dụng lãng phí là có với nhiều lý do, chứ không phải việc bỏ hoang là do miễn thuế mà bỏ hoang. Nếu miễn tràn lan, người sản xuất trên đất nông nghiệp cũng được miễn, người bỏ hoang đất cũng được miễn thì liệu có công bằng.
"Vấn đề vẫn là tạo liên kết được 4 nhà với nhau, Nhà nước là nhạc trưởng có những chính sách để nhà khoa học, nhà nông; doanh nghiệp và nhà băng phối hợp với nhau. Miễn giảm thuế đất rồi, thì tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất; Doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng, sau đó phân phối tới thị trường tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước", ông Long nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.