dd/mm/yyyy

Miền Trung oằn mình trong lũ chồng lũ, nước trên các sông đặc biệt to

Một gia đình 6 người bị vùi lấp trong đất đá, 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 đóng trên địa bàn xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) là 2 trong số nhiều vụ việc đau lòng do lũ dữ, sạt lở gây ra.

Chưa bao giờ miền Trung phải hứng chịu những hình thái thời tiết cực đoan đến vậy, lũ trên các sông đều ở mức đặc biệt to, vượt cả kỷ lục của những đợt lũ lịch sử những năm trước.

Thiệt hại khó đong đếm

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 1h giờ ngày 18/10, mưa lũ những ngày qua đã khiến 84 người chết; 38 người mất tích. Về nhà ở: 52.933 nhà bị ngập (Quảng Trị: 41.878 nhà; Quảng Bình: 11.055), 24.734 Nhà bị hư hỏng, sập đổ.Thiệt hại về nông nghiệp: 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Miền Trung oằn mình trong lũ chồng lũ - Ảnh 1.

Lực lượng cứu nạn tổ chức cứu nạn tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Anh Thơ

Có 12 tuyến quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở; 924ha lúa, 430ha mạ, 106.616ha hoa màu bị ngập, vùi lấp, hư hỏng; 470ha cây lâm nghiệp, 462ha cây ăn quả, 450 tấn cây giống và 46.562 tấn hạt giống bị hư hỏng; 3.889ha thủy sản bị thiệt hại; 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Và nỗi đau ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) còn chưa nguôi khi công việc tìm kiếm 17 công nhân bị vùi lấp, mất tích gặp nhiều khó khăn, đoàn khảo sát cứu nạn gồm 11 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu IV và 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng gặp nạn ở tiểu khu 67 thì tỉnh Quảng Trị tiếp tục nhận tin dữ: 2 sự cố sạt lở khiến 1 hộ gia đinh 6 người bị vùi lấp trong đất đá, hiện đã hoàn tất công tác cứu nạn và nơi ở của 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 cũng đã bị nửa quả núi bất ngờ trùm xuống trong đêm. 

Tính đến 17 giờ ngày 18/10, lực lượng cứu nạn của Quảng Trị đã tìm được thi thể của 12 cán bộ, chiến sĩ, hy vọng về người sống sót sau vụ sạt lở gần như dập tắt.

Những thiệt hại chưa dừng lại ở đó khi có thông tin 7 hộ dân ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) bị mất tích khi đi rừng, nhận được thôn tin, cán bộ xã tham gia tìm kiếm. Khi đi đến Km193 tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thì khu vực này bị sạt lở khiến một cán bộ công an tử vong, một cán bộ mất tích, còn 2 người bị thương nặng. 

Mưa lũ cũng đã khiến nhiều địa phương ở miền Trung chìm trong biển nước. Theo thống kê sơ bộ, đã có 52.933 nhà dân bị ngập; 24.734 nhà bị hư hỏng, đổ sập.

Về giao thông có 12 tuyến quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). 924ha lúa, 430ha mạ, 106.616ha hoa màu bị ngập, vùi lấp, hư hỏng; 470ha cây lâm nghiệp, 462ha cây ăn quả, 450 tấn cây giống và 46.562 tấn hạt giống bị hư hỏng; 3.889ha thủy sản bị thiệt hại; 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Ngay sau khi sự cố sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp khẩn trong đêm triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sau khi có thông tin, 3 giờ sáng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều 150 cán bộ, chiến sĩ phối hợp ứng cứu. Đến 7 giờ sáng đã có mặt xảy ra vụ sạt lở.

Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Xuân Toàn - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 rất phức tạp, địa hình bị chia cắt. Đoàn ứng cứu của Bộ đội biên phòng Quảng Trị phải đi bộ 3km mới tiếp cận được hiện trường. 

"Từ ngoài vào có 2 điểm sạt lở chia cắt, ôtô không đi được, bộ đội phải đi bộ, đã có 70 đồng chí đến hiện trường và bắt đầu tìm kiếm người bị nạn. Theo thông tin nắm được là có khoảng 22 cán bộ chiến sĩ ở 3 nhà, 1 dãy 15 người, 1 nhà 4 người, 1 nhà 3 người. Tính đến 17 giờ ngày 18/10, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 14 cán bộ chiến sĩ" - Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn nói.

Mưa lũ miền Trung còn phức tạp

Miền Trung oằn mình trong lũ chồng lũ - Ảnh 3.

Người dân ở Thừa Thiên - Huế phải lội nước sâu ra ngoài mua lương thực, xăng dầu, thuốc men. Ảnh: Ngọc Hải

Điều nguy hiểm hơn là, tình hình mưa lũ ở Quảng Trị vẫn còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm qua, mưa tập trung nhiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên trong hôm nay vùng mưa sẽ dịch chuyển dần ra phía Bắc, sẽ tập trung nhiều ở khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. 

"Mưa có thể không lớn như Quảng Trị nhưng tình hình mưa lũ ở Quảng Bình cũng sẽ rất phức tạp. Lượng mưa cả hôm nay và ngày mai là 400 - 600mm" - ông Khiêm thông tin.

Theo ông Khiêm, trong vài ngày tới, khu vực Quảng Trị có thể tiếp tục có mưa do vùng thấp dịch chuyển sang phía Tây, cộng với không khí lạnh tăng cường thì đêm mai khu vực Quảng Trị lại tiếp tục có mưa, nguy cơ lũ, sạt lở đất rất cao. "Chúng tôi đã tăng cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 4" - ông Khiêm nói.

Cảnh báo xa hơn, ông Khiêm cho biết, phía Đông Philippines đang hình thành nhiễu động, có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, nhiều khả năng tiếp tục đi vào miền Trung, dự kiến ảnh hưởng trong khoảng 24 - 26/10. 

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đêm hôm qua các lực lượng đã triển khai từng giờ từng phút phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, giữ liên lạc trực tuyến liên tục với Quảng Trị.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại... Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo... Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. 

Quảng Trị: Dùng trực thăng tiếp tế lương thực cho xã bị cô lập

Chiều 18/10, có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương ở Km15, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, đã yêu cầu 2 trực thăng từ Đà Nẵng chờ lệnh tại sân bay Phú Bài. Khi thời tiết thuận lợi, máy bay sẽ tiếp cận xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) để thả lương thực và thuốc men cho người dân. Tại xã Hướng Việt, thông tin ban đầu có 7 người dân đi rừng mất tích. Chính quyền địa phương cử 7 cán bộ đi tìm người mất tích.

Tuy nhiên chiều 17/10, đoàn 7 người đi cứu hộ lại gặp nạn trên đường tìm kiếm người mất tích. Thông tin ban đầu, 1 trong 7 người trong đoàn cứu hộ đã tử vong, 2 người bị thương, 4 người còn lại mất tích.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương (thứ 2, từ phải) cho hay, đã yêu cầu 2 trực thăng từ Đà Nẵng chờ lệnh tại sân bay Phú Bài. Ảnh: P.V

Như vậy, tại xã Hướng Việt có 11 người mất tích. Xã Hướng Hiệp hiện đang bị cô lập. Đối với lực lượng cứu hộ tại doanh trại Đoàn 337, Trung tướng Nguyễn Tân Cương lưu ý, việc cứu hộ cần cắt cử người ở khu vực cao để quan sát và cảnh báo khi tiếp tục xảy ra việc sạt lở. Việc cứu hộ những người đang mất tích cần khẩn trương và làm xuyên đêm để sớm đưa người gặp nạn ra ngoài. Hiện tại, có khoảng 300 người và phương tiện cơ giới đang tham gia cứu hộ tại doanh trại 337.

Vũ Vũ

Hà Tĩnh: Lũ lên quá nhanh, nhiều xã bị ngập sâu

Mưa liên tục tại Hà Tĩnh khiến lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố dâng cao, gây ngập lụt diện rộng. Chiều 18/10, hơn 100 nhà dân tại 6 xã thuộc huyện Hương Khê ngập sâu trong nước lũ.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Đặng Viết Long - Chủ tịch UBND xã Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Từ chiều hôm qua đến sáng nay, nước sông lên rất nhanh và đã vào nhà dân, nhiều tuyến đường bị ngập gây chia cắt, cô lập một số thôn. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, chúng tôi đã huy động 4 tại chỗ. Bố trí lực lượng túc trực tại các điểm ngập để đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay các xã bị ngập sâu gồm: Xã Điền Mỹ, xã Hương Thủy, xã Hà Linh, xã Gia Phố, xã Hòa Hải, xã Lộc Yên…".

Duyên Hà


Anh Thơ