Miền Trung: Ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, nhiều nông dân thu lợi nhuận tiền tỷ

09/12/2022 07:51 GMT+7
Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm đã giúp nhiều nông dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung thu lợi nhuận tiền tỷ, khi năng suất tôm đạt hàng chục tấn/ha.

Ngày 8/12, tại TP.Huế, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại một số tỉnh duyên hải miền Trung. Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin về nhiều mô hình nuôi tôm nước lợ đưa lại lợi nhuận tiền tỷ.

Miền Trung: Ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, nhiều nông dân thu lợi nhuận tiền tỷ - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm công nghệ Grofarm tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, tỉnh đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm đem lại hiệu quả. Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển (với tổng diện tích 285ha) và vùng cao triều ở tỉnh đã và đang phát triển mạnh, với hình thức nuôi thâm canh, theo hướng VietGAP, ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Năng suất nuôi tôm thẻ trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển của tỉnh đạt 15-20 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ. Đối với nuôi tôm thẻ lót bạt ở vùng triều thì năng suất từ 8-12 tấn/ha/vụ.

Điển hình có một số cơ sở, trang trại nuôi tôm đem lại hiệu quả cao như: Doanh nghiệp Nam An Farm, cơ sở nuôi tôm Phước Thành của ông Trần Công Thành (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành), cơ sở nuôi tôm Nghĩa Thương, Hương Luận (xã Tam Hải, Núi Thành), cơ sở nuôi tôm Hạnh Cần của ông Nguyễn Xuân Cần (xã Bình Hải, Thăng Bình), cơ sở của ông Phạm Đình Chương (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên). Diện tích trang trại nuôi tôm này từ 4ha đến hàng chục ha, doanh thu hàng đạt chục tỷ đồng/năm, lãi 300-500 triệu đồng/ha/vụ/ha.

Tại Quảng Trị cũng có nhiều mô hình nuôi tôm tiêu biểu đạt hiểu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học tại các xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh) đạt sản lượng bình quân 3,5 tấn/ha. Mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh với quy mô 4,75ha đạt năng suất trung bình đạt 27 tấn/ha, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn tại 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong đạt năng suất 25 tấn/ha, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng/ha.

Miền Trung: Ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, nhiều nông dân thu lợi nhuận tiền tỷ - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội thảo tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ Grofarm tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Tại Hà Tĩnh, nhiều tổ chức, cá nhân nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi tôm công nghệ cao trên cát ở tỉnh đã đạt năng suất 10-15 tấn/ha/vụ ao đất và 20-30ha/ha/vụ ao nuôi trồng công nghệ cao trên cát. Qua đó, lợi nhuận của các cơ sở nuôi tôm này đạt hàng tỷ đồng mỗi vụ.

Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững, như: Phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm- lúa ở khu vực ven biển phù hợp với quy hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm... 

Bên cạnh đó, việc tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cần được đẩy mạnh. Công tác quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu cũng cần được chú trọng...   


Quỳnh Nhi
Cùng chuyên mục