Minh Phú có nguy cơ bị Stapimex vượt mặt, "vua tôm" hé lộ chiến lược 5 năm tới

15/04/2021 06:36 GMT+7
Không dấu tham vọng giữ vững vị thế Vua tôm trong tương lai bằng các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, những khó khăn nguyên liệu có thể khiến Minh Phú mất vị thế ở những thị trường quan trọng.

Nguy cơ bị Stapimex vượt mặt

Số liệu thống kê xuất khẩu thuỷ sản của Hải Quan Việt Nam cho biết, liên tiếp trong tháng 1 và 2/2021, Stapimex, doanh nghiệp Tôm tại Sóc Trăng, có vốn điều lệ 77,5 tỷ đồng đã soán ngôi Tập đoàn Minh Phú để trở thành nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn Việt Nam và ngành tôm nói riêng, với thị phần xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 3,35%.

Mặc dù, xếp sau Stapimex và Vĩnh Hoàn, nhưng tổng hợp doanh số xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú mẹ và công ty thành viên CTCP Chế biến thuỷ sản Minh Phú - Hậu Giang, Minh Phú hiện vẫn đang giữ được vị thế "vua tôm" của ngành với thị phần xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 6,13%.

Stapimex đã có những bước nhảy vọt trong 3 năm trở lại đây để đưa mình vào Top 2 nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam năm 2020 và dẫn đầu liên tiếp trong 2 tháng đầu tiên năm 2021. Stapimex ghi nhận mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu tôm gần 30% cho năm 2019 và hơn 44% cho năm 2020, luôn bỏ xa mức tăng trưởng chung của ngành.

Trong khi đó, những khó khăn về nguyên liệu tôm đã khiến Minh Phú "gặp hạn" trong năm 2020 khi tháng 1/2020, Cục Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với MSeafood USA (Công ty con của Minh Phú tại Mỹ). Đến ngày 13/10/2020, CBP đã ban hành Quyết định về việc áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm Minh Phú vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào ngày 11/2/2021 CBP đã huỷ bỏ Quyết định áp thuế chống bán phá giá đã đưa ra trước đó, nhờ vậy, Minh Phú được tiếp tục xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế.

Dù vậy, năm 2020, doanh số xuất khẩu tôm ở cả Tập đoàn Minh Phú và Minh Phú - Hậu Giang đều sụt giảm đáng kể trong bối cảnh xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng cao.

Sau đại hạn, "Vua tôm" Minh Phú đẩy mạnh hoạt động đầu tư - Ảnh 1.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Lưu ý rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Minh Phú. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Minh Phú (bao gồm Minh Phú Hậu Giang) liên tiếp sụt giảm. Báo cáo của Minh Phú cho thấy, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ năm 2018 đạt gần 306 triệu USD, chiếm tỷ trọng 40,7%, liên tiếp sụt giảm trong năm 2019 và 2020 để về mức hơn 149 triệu USD, tỷ trọng 25,35% ở thời điểm 2020.

Minh Phú có nguy cơ bị Stapimex vượt mặt, "vua tôm" hé lộ chiến lược 5 năm tới - Ảnh 2.

Xuất khẩu của Minh Phú vào các thị trường. Nguồn: Báo cáo thường niên

Thách thức lớn với “vua tôm” Minh Phú 

Không dấu tham vọng giữ vững vị thế Vua tôm trong tương lai bằng các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, chính bản thân Minh Phú lại đang loay hoay với những khẳng định của mình.

Tháng 2/2021, Hội đồng quản trị của Thủy sản Minh Phú đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phát tại Khu công nghiệp Khánh An (tỉnh Cà Mau) với quy mô công suất 30.000 tấn thành phẩm/năm, ước tính chi phí đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào tháng 5/2021 và đưa nhà máy vào hoạt động tháng 5/2022.

Vào tháng 3/2021, Hội đồng Quản trị Tập đoàn cũng thông qua rót thêm 235 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thuỷ hải sản Minh Phú Kiên Giang. Việc rót thêm 235 tỷ đồng của Minh Phú vào công ty con MPHG sẽ nâng tổng số vốn góp tại đây lên 1.425 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên của Minh Phú cho biết, hiện Minh Phú đang xây dựng trang trại với diện tích 302ha tại Kiên Giang, và có kế hoạch nuôi khoảng 1.000 ao với diện tích 600ha trong năm 2021 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.

Tại lễ xuất khẩu lô tôm đầu tiên năm 2021, ông Quang thông tin, ngành tôm hiện đang thiếu hụt nguyên liệu gay gắt, chỉ đáp ứng được 30-50% cho chế biến. Cần phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu bởi làm giá thành tăng cao, sản phẩm rất khó cạnh tranh.

"Tôi xây dựng nhà máy ở Hậu Giang này với kế hoạch sử dụng 10.000 công nhân nhưng hiện chỉ hoạt động 50% công suất, tức đang bị lãng phí là rất lớn, trong khi bộ máy quản lý vẫn phải trả lương như 10.000 công nhân nên giá thành tăng rất cao", Vua tôm" Minh Phú dẫn chứng.

Cũng theo ông Quang, trong năm 2020, đơn vị này gặp khó khăn trong xuất khẩu do giá cước tàu biển tăng.

Nếu vào tháng 6/2020, từ Việt Nam đi thị trường châu Âu đối với container loại 20 feet, có giá từ 1.200 - 1.500 đô la Mỹ/container thì hiện đã tăng lên mức 7.000 - 8.000 đô la Mỹ/container; đối với container loại 40 feet tăng từ 1.500 - 1.800 đô la Mỹ/container vào tháng 6/2020 lên 8.000 - 10.000 đô la Mỹ/container như hiện nay.

"Việc giá cước tàu biển tăng đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và doanh nghiệp các ngành hàng khác nói chung" - ông Quang nhấn mạnh.

Chưa hết, sự bùng lên mạnh mẽ của doanh nghiệp cùng nghề như CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) cũng đang dần đe dọa vị trí độc tôn về xuất khẩu của Minh Phú trong thời gian qua.

Sau đại hạn, "Vua tôm" Minh Phú đẩy mạnh hoạt động đầu tư - Ảnh 3.

Nguồn: Hải Quan Việt Nam

Chiến lược của Minh Phú trong 5 năm tới?

Trong bài phát biểu gửi đến cổ đông của mình tại báo cáo thường niên năm 2020, ông Lê Văn Quang cho biết, 5 năm tới 2021 - 2025, Minh Phú đã phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon. Chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính:

Thứ nhất, Khu phức hợp nuôi Tôm Công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn: kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) để quản lý nuôi tôm...;

Thứ hai, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú Quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường;

Thứ ba, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường: mục tiêu lớn là trồng được 1 vành đai rừng đước từ Hà Tiên, Kiên Giang đến Cần Giờ, TP. HCM, bên trong đó là các khu vực quy hoạch nuôi tôm rừng đước hữu cơ;

Thứ tư, Khu phức hợp nuôi Tôm Sú - Lúa hữu cơ (2 vụ tôm Sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường: tạo ra sản phẩm tôm Sú hữu cơ chất lượng cao và luân canh với trồng giống lúa;

Thứ năm, Con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm. Để có con giống tốt, chất lượng cao Minh Phú đề xuất xây dựng khu sản xuất tôm Sú và tôm Thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.

Trở lại với tình hình kinh doanh của MPC, năm 2020, doanh thu của Minh Phú giảm 15% còn 14.334 tỷ đồng nhưng các chi phí giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế của Minh Phú vẫn tăng 39% lên 617 tỷ đồng. Với kết quả này doanh nghiệp mới đạt 94% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận năm.

Sau đại hạn, "Vua tôm" Minh Phú đẩy mạnh hoạt động đầu tư - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính MPC

Về tình hình tài chính, hết năm 2020, tổng tài sản của Minh Phú đạt 8.892 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt gần 2.972 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020 sau khi đã trích lập 105,5 tỷ đồng dự phòng giảm giá.

Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của doanh nghiệp tính tới cuối năm 2020 là 2.252 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng so với đầu năm.

Tổng nợ phải trả hết năm 2020 là gần 3.627 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ đi vay là 3.083 tỷ đồng, tăng gần 39% so với con số đầu năm và đều là vay ngắn hạn của ngân hàng. Theo thuyết minh, trong năm, Minh Phú đã vay tổng cộng 13.174 tỷ đồng và đã trả 12.304 tỷ đồng.


Quang Dân
Cùng chuyên mục