NSƯT Minh Vượng hẹn tôi ở quán cà phê trên đường Thể Giao. Vẫn bộ quần áo rộng thùng thình, với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười như pháo nổ chị bảo: "Chắc em ngạc nhiên lắm khi chị hẹn em ở quán này, nó hơi tuyềnh toàng nhưng chị lại thích. Chị thích những gì đơn giản, chị ngại vào những quán cà phê cửa kính lắm".
Bao nhiêu năm, Minh Vượng vẫn vậy, vẫn là một "người đàn bà cười". Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự vui vẻ đó, cuộc đời của chị giống với câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật : “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.
Chờ hai năm mới được nhận vai
Minh Vượng sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ, anh chị em đều làm công nhân trong nhà máy rượu. Căn nhà thời ấu thơ của Minh Vượng ở khu lao động nghèo Lương Yên B. Nhà gần sân bóng nên nơi đây thường xuyên diễn ra Chèo, Tuồng, Cải lương. Nghệ thuật đã thấm vào máu thịt anh chị em Minh Vượng từ thơ ấu, nhưng lớn lên, chỉ mỗi mình chị theo nghề "xướng ca vô loài".
Từng là học sinh "cá biệt" ngày học cấp 1 vì luôn không thuộc bài, "chuyên gia" đi học muộn nhưng lên tới cấp 2, Minh Vượng thay đổi hẳn tính cách, biết quan tâm chăm sóc các em, học hành tiến bộ và đặc biệt rất giỏi môn Văn.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội vào năm 1978, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng với ngoại hình "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum", phải chờ tới 2 năm Minh Vượng mới có vai diễn đầu đời. Ở tuổi 22 nhưng Minh Vượng lại phải hóa thân thành cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi". Vai diễn đầy thử thách với một diễn viên trẻ như Minh Vượng nhưng bằng niềm đang mê nghề nghiệp, nghiên cứu kỹ kịch bản, vai diễn của chị được đánh giá rất cao.
2 lần suýt lên xe hoa
Cho tới bây giờ, Minh Vượng không nhớ nổi chị đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu số phận nhưng chị bảo: "Đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đời diễn viên của chị như Kép tư bền, nhiều khi nuốt nước mắt vào trong để diễn. Trót yêu và đắm đuối với nghề rồi, biết sao được". Hóa thân vào nhiều vai diễn, người hâm mộ cũng nhiều, bạn bè thân thiết yêu mến chị cũng không ít nhưng cho tới giờ Minh Vượng vẫn cô đơn lẻ bóng.
Chị kể đã có hai lần chị suýt lên xe hoa đó là vào năm 1992, chị đã "thương thầm nhớ trộm" một người đàn ông ở Viện Khoa học. Tưởng rằng hạnh phúc dù muộn màng sẽ mỉm cười với chị. Ai ngờ, bố mẹ anh chỉ đồng ý cho hai người đến với nhau nếu Minh Vượng bỏ nghề để về quản lý cửa hàng mỹ nghệ vàng bạc của gia đình. Tình yêu sân khấu đã không cho phép Minh Vượng từ bỏ nên chị lặng lẽ rút lui.
Lần thứ 2 vào năm 1996, khi ấy Minh Vượng và người đàn ông làm nghề lái xe tải đã có thời gian 3 năm gắn bó bên nhau. Nhưng cũng như lần trước, bố mẹ người yêu cũng bắt Minh Vượng bỏ nghề để về làm chủ một hệ thống cửa hàng hoa tươi trên phố Ngọc Hà của gia đình. Ngày đó, vì quá yêu anh, chị đã có ý định bỏ diễn. Nhưng rồi gần đến ngày cưới lại đổi ý. Chị sợ một ngày nào đó không được khóc cười trên sân khấu. Chị sợ công việc nhàm chán hàng ngày sau đống hoa tươi. Chị nhớ sân khấu đến nao lòng, đến....ốm.
Rồi khi khỏi ốm, chị hiểu rằng mình cần gì. Mối tình thứ 2 lại trôi qua. Chị bảo "Những người đàn ông đến với mình đều thích tiếng cười mình mang lại cho họ, nhưng họ lại không muốn mình mang lại tiếng cười cho người khác. Như thế thật ích kỷ. Sau cú sốc hôn nhân này, mình đã khóa chặt cánh cửa trái tim và vứt chìa khóa đi. Số mình đã vậy rồi mình chấp nhận", Minh Vượng giãi bày.
Sở thích tắm và tết tóc cho búp bê
Được biết tới nhiều với vai chính kịch nhưng khi bén duyên hài, chị lại đóng đinh với vai diễn đó, nhất là diễn hài cho trẻ nhỏ. Chị bảo, làm việc với trẻ con khiến chị trẻ ra nhiều tuổi, cứ sau đêm diễn, bọn trẻ con toàn gọi Minh Vượng bằng "chị" khiến chị vui.
Có lẽ vì thế mà Minh Vượng cũng có sở thích rất con trẻ là sưu tầm búp bê. Chị bảo, cứ mỗi lần đi lưu diễn ở đâu, chị chẳng mua gì quý giá ngoài những con búp bê xinh xắn. Hàng tuần, cứ Thứ 7, Chủ nhật nào không phải đi diễn, chị lại đem bộ sưu tập búp bê ra tắm rửa và tết lại tóc. "Mệt lắm chứ em, tắm cho bọn nó phải rất cẩn thận, tắm rồi lại sấy tóc cho khô, ngồi tết tỉ mỉ. Mất cả ngày trời ấy chứ. Nhưng mà vui lắm", Minh Vượng khoe.
Cuộc sống sau cánh gà của "người đàn bà cười" thật giản dị nhưng cũng lắm chua cay. Nhiều năm nay, bệnh khớp, tim, tiểu đường đã khiến sức khỏe của chị giảm sút nhiều. Lúc nào chị cũng mang trong mình 13 loại thuốc để uống hàng ngày.
Và ngày nào, trước khi đi dạy (Minh Vượng dạy tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội) chị cũng phải ăn một bát yến để lấy sức khỏe. 120.000 đồng cho 4 tiếng dạy học không đủ chị mua một bát yến nhưng chị vui. Vui vì được làm việc, vui vì được hàng ngày bồi đắp lòng yêu sân khấu cho thế hệ trẻ.
Hỏi chị, lại một mùa xuân mới nữa đã về, chị ước gì cho mình trong năm mới, chị bảo "Tôi chẳng ước gì, đúng là đàn bà ai cũng muốn một lần trong đời được làm vợ làm mẹ, nhưng số kiếp mình vậy, mình chấp nhận. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong mình được làm đàn bà để những gì mình chưa có trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ nhận được. Nhưng hiện tại, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để làm việc. Tôi sẽ diễn tới khi nào gối mỏi chân run, không lê được tới nhà hát nữa thì dừng".
Minh Vượng là vậy, cứ vô tư sống hết mình, làm việc hết mình. Cho đi nghĩa là sẽ nhận lại. Chị đang sống rất thanh thản hạnh phúc bên gia đình. Chị luôn tự hào vì anh em chị thuận hòa yêu thương nhau. Chị bằng lòng với những gì mình đã chọn dù nó có gập ghềnh chông gai.
Theo VietNamNet
Vui lòng nhập nội dung bình luận.