Mở con đường thiện

Chủ nhật, ngày 11/07/2010 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có nghề trong tay, anh Nguyễn Thành Quỳnh 34 tuổi, ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam đã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho những người lầm lỗi, qua đó cảm hóa họ thành người lương thiện.
Bình luận 0

Không xa lánh kẻ xấu

Nhọc nhằn lắm anh Quỳnh mới có được cái nghề làm đá mỹ nghệ và gây dựng được một cơ sở sản xuất nho nhỏ có tên Thành Quỳnh Liên tại Nam Phước quê mình. Tìm người học nghề không khó, nhưng không hiểu sao Quỳnh chỉ chọn thanh niên lầm lỡ, hư hỏng, có tiếng quậy phá. Nghe ở đâu có đối tượng này, anh tìm đến khuyên nhủ, lôi kéo về xưởng mình. “Với những người như vậy nếu ai cũng tránh, cũng quay lưng lại, thì lấy cơ hội đâu để họ phục thiện, làm lại cuộc đời?” - anh hỏi và cũng là lý giải hành động của mình.

Cũng vì “rước” dân quậy về nhà nên có lúc anh lãnh hậu quả, xưởng của anh suýt bị người anh muốn cưu mang xóa sổ, thiệt hại một đống tiền. Vậy mà anh không hề giận, hối tiếc mà vẫn kiên nhẫn động viên, khuyên giải. Anh đã làm rơi được những giọt nước mắt bằng tấm lòng vị tha hiếm có của mình.

Mỗi lần có thanh niên nào đua xe bị tai nạn chết hay quậy phá đánh lộn dẫn đến tử vong, Quỳnh đều đưa anh em trong xưởng đến viếng. Trước những hậu quả thương tâm như vậy, anh em trong xưởng của Quỳnh tự rút ra bài học cho mình mà phục thiện. Đó cũng là nghệ thuật giáo dục con người của Quỳnh. “Em từng bồng bột mắc nhiều sai lầm, suýt trả giá, nhờ đi theo anh Quỳnh mà ngộ ra. Chỉ có kiếm tiền bằng sức lao động của mình mới quý và lâu bền, em hiểu như vậy” - X, một người thợ lành nghề của cơ sở, tâm sự. Trước đây X là một “đàn anh” có máu mặt tại địa phương, bây giờ nhờ Quỳnh mà “rửa tay gác kiếm”, hiền như cục đất. Nhiều người từng đập phá xưởng của Quỳnh bây giờ đã là những thợ giỏi của xưởng.

Mong sao có nhiều “con đường thiện”

Mấy chục lao động đang làm việc tại Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thành Quỳnh Liên của Quỳnh đều có tên trong “sổ đen” của cơ quan chức năng, thậm chí có người từng muốn “xóa sổ” cơ sở này bằng cách đập phá không thương tiếc. Vậy mà anh đã cảm hoá được họ, biến thù thành bạn một cách nhẹ nhàng, khéo léo.

Nhờ giỏi nghề, tiếp thị tốt nên cơ sở của Quỳnh rất đông khách hàng, mỗi năm lãi vài trăm triệu đồng. Quỳnh trả lương cho công nhân của mình cao so với mặt bằng chung ở khu vực: trung bình 3,6 triệu đồng/người/tháng. Có nghề nghiệp, có thu nhập, lại được đối xử nhân ái, các lao động của Quỳnh thay đổi dần tâm tính, cần cù, chịu khó làm việc, bỏ quậy phá.

Tuy nhiên, day dứt của Quỳnh là làm thế nào để có được nhiều “con đường thiện”, có thêm nhiều cơ hội cho những lao động từng lầm lỗi chứ không chỉ mình xưởng của anh. Cách đây một vài năm, tại TP.HCM có những mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho những người sau cai nghiện, Quỳnh cho rằng đó cũng là một “con đường sáng”. Nhưng sau đó cách làm này lại chết yểu vì thiếu nhiều cơ chế, và quan trọng nhất, ấy là thu nhập không đủ nuôi sống bản thân nên nhiều lao động chán nản.

Từ câu chuyện của TP.HCM, anh Quỳnh cho rằng cần tổ chức dạy nghề, tạo việc làm một cách bền vững cho đối tượng này. Thực tế ở Duy Xuyên (Quảng Nam), những lao động từng có thời lầm lỗi sống ở nông thôn thường khó kiếm việc làm. Và các đối tượng này ít khi được bình xét để hưởng các chính sách an sinh xã hội như dạy nghề - tạo việc làm. Khi nghe thông tin về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới 2020, anh Quỳnh cho rằng, nếu triển khai tốt, tới đúng đối tượng thực sự cần học nghề, trong đó có cả những người lầm lỗi, thì khả năng sẽ nhân rộng được những “con đường thiện” như anh đã và đang đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem