Mở cửa trường học: Vì sao nhiều nơi vẫn “im lìm”?

D.T Thứ năm, ngày 20/01/2022 20:50 PM (GMT+7)
Hai tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trường học ở nhiều nơi vẫn “im lìm”, học sinh chưa được tới trường. Vì sao lại có tình trạng này?
Bình luận 0

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh/thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn, 35 tỉnh thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình, 19 địa phương phố còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Theo Nghị quyết 128, tùy từng cấp độ dịch ở các mà địa phương sẽ quyết việc cho học sinh đi học lại hay không. Cụ thể, đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp, dịch cấp độ 1 các cơ sở giáo dục đào tạo được phép hoạt động, cấp độ 2 được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, cấp độ 3 được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, cấp độ 4 là ngưng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động.

Mở cửa trường học: Vì sao nhiều nơi vẫn “im lìm”? - Ảnh 1.

Học sinh trường Tiểu học Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội đến trường ôn tập trực tiếp vào sáng 3/1. Ảnh: Phòng GD Quốc Oai, Hà Nội

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, một số nơi không thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128. Dù dịch ở địa phương chỉ cấp độ 2, 3 nhưng trường học vẫn chưa được mở cửa.

"Giai đoạn chống dịch của chúng ta đang "sang trang" mới. Đó là từ tháng 10/2021 cả nước chuyển đổi chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các nhà trường từng bước, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn bị sự níu kéo của các Nghị quyết mà không mạnh dạn, sánh tạo tìm cách cho học sinh đi học lại.

Rõ ràng có việc đùn đẩy, quá lo sợ trách nhiệm việc đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho học sinh. Chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đó là giao quyền tự chủ cho các cơ sở đồng thời theo sát, giúp họ tháo gỡ khó khăn sớm có đủ quyết tâm mở cửa trường học", ông Đặng Tự Ân cho biết.

Rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo, trường học nên được mở cửa càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, hơn nữa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình.

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT cho biết, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỉ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu, để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và UNESCO ngày 7/1/2022 cho thấy, trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước, có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam.

UNICEF và UNESCO khuyến cáo: "Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học". Ông Hưng cũng cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ để các nước cần sớm mở cửa trường học.

Không có phương án tuyệt đối nhưng phải chọn phương án tốt nhất

Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GDĐT theo đó sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khi tỉ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi, kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường, chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Bộ trưởng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem