dd/mm/yyyy

Mô hình bán trú- nâng bước học sinh nghèo vùng cao Lai Châu

Được chăm lo bữa ăn hằng ngày, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã yên tâm xuống núi học chữ. Có được điều đó là nhờ vào mô hình bán trú tại các trường ở vùng cao Sìn Hồ trong những năm gần đây.

Công tác bán trú được chú trọng

Ai đã từng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới chắc chắn không thể quên hình ảnh học sinh bán trú các bậc tiểu học, THCS phải sống xa nhà, tự lập trong sinh hoạt hằng ngày. Sau mỗi buổi học, các em lại phải tự lo cho cuộc sống sinh hoạt nên nhiều em không đảm bảo sức khỏe học tập.

Tổ chức bán trú đã có những tác động tích cực tới giáo dục vùng cao, biên giới, những vùng còn khó khăn ở Sìn Hồ. Đây là một trong những minh chứng rõ nét, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng khó với vùng thuận lợi. Qua đó còn phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo, ở các xã vùng khó.

Bữa ăn bán trú- nâng bước học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 1.

Bữa ăn trưa của các em học sinh bán trú.(Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với ông Phạm Văn Phôi – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Sìn Hồ, chúng tôi được biết: Năm học 2021 - 2022, toàn huyện Sìn Hồ có 28 trường tổ chức bán trú cho hơn 5 nghìn học sinh ở các bậc Tiểu học, THCS thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới trên địa bàn. Đảm bảo kinh phí, được đầu tư trang thiết bị cùng sự tâm huyết, nhiệt tình của các thầy, cô đã đưa hoạt động của các trường bán trú dần đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, công tác bán trú cho học sinh ở Sìn Hồ vẫn còn gặp không ít khó khăn do thiếu cơ sở vật chất cùng những khó khăn đặc thù của giáo dục vùng khó. Vượt lên tất cả, ngành giáo dục – đào tạo huyện Sìn Hồ đã và đang nêu cao kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, tổ chức tốt công tác bán trú cho học sinh. Cùng với trang bị kiến thức, các thầy cô còn chú trọng rèn luyện kỹ năng, đảm bảo khẩu phần cho học sinh bán trú.

Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bán trú

Qua giới thiệu của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Sìn Hồ, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Nậm Cha. Tại đây, chúng tôi thật sự ấn tượng về mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh – trường học nông trại của nhà trường.

Bữa ăn bán trú- nâng bước học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 2.

Các em học sinh được hướng dẫn cách cho vật nuôi ăn.(Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, thầy giáo Vũ Văn Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng lao động sản xuất cho các em học sinh, từ đó giúp các em hiểu biết về những kiến thức xã hội cần thiết, phát triển toàn diện hơn. Hiện nhà trường đang duy trì mô hình căng tin tự quản và trường học nông trại với mô hình V.A.C. Qua đó giúp các em biết hạch toán trong kinh doanh, chăn nuôi gia súc, chăm sóc ao cá và làm vườn. Hiệu quả các mô hình, giúp các em rèn luyện kỹ năng, các tập thể lớp có thêm nguồn thu tổ chức các hoạt động chung, nhà trường chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ.

Bữa ăn bán trú- nâng bước học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 3.

Học sinh trường PTDTBT THCS Nậm Cha tăng gia sản xuất.

Tương tự như trường PTDTBT THCS Nậm Cha, mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh – trường học nông trại cũng đang được thầy cô, học sinh trường PTDTBT TH Phăng Sô Lin thực hiện. Cô Hoàng Kim Oanh – Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Phăng Sô Lin cho biết: để bổ sung nguồn thực phẩm cho học sinh, các thầy cô trong trường đã phát động gây quỹ đầu tư cây, con giống tăng gia. Bình quân mỗi năm, nhà trường đảm bảo cung ứng thực phẩm gần 2 tạ lợn hơi, gần 8 tạ rau xanh, hàng trăm quả trứng các loại.

Bữa ăn bán trú- nâng bước học sinh nghèo vùng cao - Ảnh 4.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Sìn Hồ thăm khu vực bếp ăn của học sinh trường PTDTBT THCS Phăng Sô Lin.(Ảnh: Thanh Ngân)

Thực hiện tốt công tác tăng gia, bữa ăn học sinh được bổ sung thực phẩm, tăng khẩu phần và nhà trường bớt nặng gánh trong công tác tổ chức bán trú do giá cả leo thang.

Được biết, để tận dụng thức ăn thừa của các học sinh bán trú, nhiều trường học trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã tiến hành chăn nuôi, bãi đất trống trong khuôn viên trường học cũng được tận dụng trồng rau xanh.

Với sự giảng dạy nhiệt tình, chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ của thầy cô giáo, chính là hành trang vững vàng nhất để các em học sinh bán trú ở Sìn Hồ thêm tự tin để chinh phục con chữ, từ đấy hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Thanh Ngân-Phạm Hoài