dd/mm/yyyy

Mô hình trồng rau sạch lãi gần 20 triệu đồng/tháng

Nhiều nông dân trên vùng đất hạn nể phục tài trồng rau sạch của gia đình anh Lê Minh Mẫn (thôn Vạn Phước, Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Thuận). Bởi mô hình này không những giúp cho gia đình anh Mẫn có thêm thu nhập, mà còn mở ra hướng làm ăn mới cho các hộ dân xung quanh.

Đưa chúng tôi đến tham quan khu vườn rau xanh mướt, anh Lê Minh Mẫn bộc bạch: “Từ diện tích ruộng trồng lúa cho thu nhập kém hiệu quả, gia đình đã nâng đất trồng rau sạch và được thực hiện từ đầu năm 2016”. Những ngày đầu, anh chỉ trồng thí điểm với diện tích nhỏ, do thị trường tiêu thụ mạnh nên dần dần anh nhân rộng diện tích.

Vợ anh Mẫn đang chăm sóc vườn rau sạch.

Xuất thân từ gia đình thuần nông nên những vấn đề chăn nuôi, trồng trọt không còn gì xa lạ đối với anh Mẫn. Qua tìm hiểu thị trường, anh Mẫn nhận thấy các siêu thị, nhà hàng và chợ đầu mối mỗi ngày phải nhập với số lượng rau lớn từ nhiều tỉnh thành về. Anh bàn bạc với vợ của mình làm rau sạch để cung ứng cho những đơn vị này.

Ý tưởng của anh đưa ra nhận được sự đồng thuận của người vợ. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, anh Mẫn gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn và kỹ thuật. Để có vốn làm ăn, anh vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng với tiền vay mượn một số người thân trong gia đình, tổng cộng số tiền hơn 200 triệu đồng. Anh dồn toàn bộ số tiền vào mua máy, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mua phân chuồng, lắp dàn lưới.

Bao nhiêu công sức của anh cũng được đền đáp với nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: Cải lá, mồng tơi, mướp, khổ qua, dưa leo, cây hẹ, bí xanh, hành lá, rau dền đỏ, dền xanh, ớt đỏ... Sản phẩm của anh tung ra ngoài đã được thị trường trong tỉnh chấp nhận. Đến nay, anh đã mở rộng được 5 sào, trồng với 20 loại rau khác nhau.

Theo anh Mẫn, việc trồng rau sạch trong nhà lưới có rất nhiều ưu điểm, đầu tiên hạn chế sự xâm nhập của côn trùng, sâu hại gây bệnh. Khi gặp những đợt mưa lớn các lá rau không bị dập nát hoặc rách lá. Anh cho rằng, quy trình để đưa sản phẩm vào các siêu thị rất khắc khe, phải tuân thủ theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, chất lượng. Việc này đòi hỏi làm từ khâu xuống giống cho đến khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Anh chia sẻ: “Trong quá trình chăm sóc rau hết sức chú ý khâu sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng đã được ủ để cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Đồng thời, dùng nước ngâm với ớt, gừng, tỏi để phun cho rau, với tần suất từ 2-3 lần/tuần để phòng ngừa các loại sâu bệnh. Nếu làm tốt những khâu này, không những giảm được chi phí đầu tư mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”. Sản phẩm của gia đình anh đã được nhiều người tin dùng, tiêu thụ mạnh nhất là siêu thị Co.omart Thanh Hà.

Hiện nay, mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường từ 1- 4 tạ rau các loại, củ, quả, thậm chí có ngày lên đến 5 tạ. Bình quân mỗi tháng trừ chi phí gia đình anh có lãi gần 20 triệu đồng. Cơ sở Thu Nga của anh cũng được các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Thái Hoàng Phường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết: Gần đây nhiều hộ nông dân đã chú trọng đến trồng rau sạch. Toàn xã có trên 7 hộ trồng trên diện tích khoảng 3ha rau sạch; thu nhập trồng rau gấp 2- 3 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, hộ anh Mẫn là một trong những hộ trồng rau sạch nhiều nhất của địa phương.

(Bà con muốn quan tâm xin liên hệ anh Mẫn qua ĐT: 0169.5099724)

Công Tâm