Mở vườn quả tiến vua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ví von: "Vải em là vải vườn nhà"

Khánh Nguyên - Đức Duy Thứ ba, ngày 18/05/2021 13:43 PM (GMT+7)
Sáng nay, 18/5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã dự lễ cắt băng chính thức mở vườn đưa vải thiều Thanh Hà, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Singapore...
Bình luận 0

Hải Dương sẽ có lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản trong tuần này

Hôm nay, ngày 18/5, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn đưa vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore,… đồng thời tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021.

Hải Dương: Chính thức mở vườn đưa quả tiến vua lên đường đi Nhật Bản, Mỹ, doanh nghiệp hứa sẽ gắn "5 sao" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dươngcắt băng chính thức mở vườn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) phục vụ xuất khẩu.

Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Hiện, giá vải tại vườn được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000 – 80.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, hiện các đối tác Nhật Bản đã sẵn sàng chờ đón các lô hàng vải thiều từ Việt Nam.

"Năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và được đánh giá cao về chất lượng so với các đối thủ khác. Năm nay, chúng tôi hy vọng sản lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sẽ tăng so với năm ngoái và vẫn giữ mức giá cao như năm đầu tiên vải thiều sang Nhật Bản" – bà Hồng cho biết.

Cũng theo bà Hồng, trong tuần này, Công ty CP Ameii sẽ có chuyến vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 

"Khách hàng Nhật Bản đang rất háo hức đón chờ vải thiều Việt Nam vì so với sản phẩm của nước khác, vải thiều Việt Nam được đánh giá cao nhất về chất lượng. 

Để đảm bảo chất lượng vùng vải nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã Ameii để đảm bảo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật Nhật Bản đã khuyến cáo, tạo ra trái vải đạt tiêu chuẩn chất lượng" – bà Hồng nói thêm.

Hải Dương: Chính thức mở vườn đưa quả tiến vua lên đường đi Nhật Bản, Mỹ, doanh nghiệp hứa sẽ gắn "5 sao" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ấn tượng với vùng chuyên canh vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vì sự trù phú, xanh tươi và xinh đẹp.

Năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được bán trên 5 sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Vovo, Sendo,…

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, đơn vị chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử, cho biết, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Lazada, phản hồi của khách hàng rất tốt. 

Công ty Rồng Đỏ dự kiến sẽ thu mua khoảng 300 tấn vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu và bán trên các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, ông Paul Lê, Giám đốc Kiến tạo chia sẻ và xúc tiến thương mại Central Retail tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh cho biểt, sẽ gắn "5 sao" cho vải thiều Thanh Hà.

Được biết, sau khi khảo sát quy trình sản xuất, chứng nhận các điều kiện về chất lượng, ông Paul Lê cam kết sẽ gắn "5 sao" cho sản phẩm vải Thanh Hà và đưa khoảng 1.000 tấn vải vào chuỗi trung tâm thương mại của doanh nghiệp.

 Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn. Dự kiến, tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước...

Hải Dương: Chính thức mở vườn đưa quả tiến vua lên đường đi Nhật Bản, Mỹ, doanh nghiệp hứa sẽ gắn "5 sao" - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chất lượng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương).

Hải Dương nghiên cứu quy hoạch du lịch nông nghiệp gắn với vùng vải thiều Thanh Hà

Phát biểu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá cao Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch Covid-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

Bằng tài hoa, trí tuệ, tâm huyết, nông dân Hải Dương đã tạo nên một bức tranh nông nghiệp đa dạng, phong phú.

Dẫn 2 câu thơ “Vải em là vải vườn nhà/ Em là con gái Thanh Hà xứ Đông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hải Dương: Chính thức mở vườn đưa quả tiến vua lên đường đi Nhật Bản, Mỹ, doanh nghiệp hứa sẽ gắn "5 sao" - Ảnh 4.

Hiện, giá vải Thanh Hà (Hải Dương) sớm được thu mua với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg.

 Dù vậy, thời gian qua, những biến động của thị trường và tình hình phức tạp của dịch Covid-19 làm đứt chuỗi cung cầu, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.

Thời gian tới, Bộ trưởng NNPTNT đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. 

Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh. 

Hải Dương cũng cần quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Với những lợi thế về phát triển cây ăn quả, Hải Dương nghiên cứu quy hoạch cùng du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị của ngành.

 "Bộ NNPTNT cũng sẽ có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Hải Dương: Chính thức mở vườn đưa quả tiến vua lên đường đi Nhật Bản, Mỹ, doanh nghiệp hứa sẽ gắn "5 sao" - Ảnh 5.

Theo các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đang rất thuận lợi.

Bà Lý Dự, Phó Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam tại điểm cầu trực tuyến tại Côn Minh và bà Đặng Văn Quyên, Tuần thị viên cấp 2 Sở Thương mại Quảng Tây tại điểm cầu Nam Ninh đều khẳng định thời gian qua 2 tỉnh lớn của Trung Quốc luôn coi trọng phát triển hợp tác thương mại với Việt Nam. 

Thời gian tới, các tỉnh Vân Nam, Quang Tây và Việt Nam sẽ hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến nông sản, tạo môi trường hợp tác thương mại thuận lợi hơn.

 "Vải là mặt hàng quan trọng trong thương mại hai chiều giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam. Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, chúng tôi đề xuất hai bên tăng cường giao lưu thương mại trong khuôn khổ biên bản hai bên đã ký kết; hai bên cùng tạo điều kiện cho vải thiều được thông quan thuận lợi, mở rộng bãi tập kết hàng, tôi cũng kiến nghị phía Việt Nam tăng cường đội ngũ lái xe vận chuyển vải" - bà Đặng Văn Quyên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem