Mobile Banking – Nâng tầm thương hiệu của các QTDND

Khôi Nguyên Thứ sáu, ngày 05/03/2021 06:06 AM (GMT+7)
Việc ứng dụng Mobile Banking vào hoạt động giúp các ngân hàng quản lý nguồn vốn hiệu quả hơn, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng thông qua các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như: Các khoản cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, tư vấn, quản lý danh mục đầu tư… từ đó nâng cao khả năng trên thương trường.
Bình luận 0

Moblie Banking được hiểu là kênh phân phối hiện đại giúp khách hàng truy cập các dịch vụ ngân hàng từ xa thông qua các thiết bị di động. Sử dụng Mobile Banking, khách hàng có thể kiểm tra số dư tài khoản của họ và truy vấn lịch sử giao dịch, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn…. Đồng thời quản lý danh mục đầu tư tài chính của mình một cách thuận tiện và dễ dàng.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thời gian qua đã tích cực triển khai các chiến lược phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến khách hàng và hệ thống QTDND. Tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là khá lớn với đối tượng khách hàng chính là các QTDND trên 56 tỉnh/thành phố trong cả nước, với gần 2 triệu thành viên của các QTDND chủ yếu ở khu vực nông thôn chưa hoặc không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng hiện đại. 

Mobile Banking – Nâng tầm thương hiệu của các QTDND - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại ATM Chi nhánh Sở giao dịch Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ảnh minh họa)

Với những gì mà hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại, từ việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng đến các hình thức thanh toán trực tuyến qua các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, ví điện tử... đặc biệt kênh Mobile Banking đã và đang trở thành kênh tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số các kênh giao dịch phổ biến của ngân hàng thì việc triển khai giải pháp Mobile Banking là một nhu cầu tất yếu.

Để triển khai giải pháp Mobile Banking, ngày 03/11/2020, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác triển khai giải pháp Mobile Banking với Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY). Tiếp đó, ngày 01/01/2021, Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã được chính thức được ra mắt, qua đó đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ và ngân hàng số của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ra đời với mục tiêu phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tích hợp dịch vụ ngân hàng hiện đại lên ứng dụng Mobile Banking hướng tới khách hàng, đặc biệt là các QTDND và các thành viên của QTDND nhằm giữ vững vai trò là Ngân hàng của các QTDND.

Ngoài những tính năng tài chính quen thuộc như truy vấn thông tin tài khoản; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn… (cước di động, điện, nước, cước truyền hình cáp, kỹ thuật số); Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ phát triển thêm nhiều tiện ích mở rộng như: thanh toán QR, thanh toán vé máy bay, truy vấn các thông tin từ ngân hàng như: địa điểm mạng lưới Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, điểm đặt máy ATM, thông tin về các dịch vụ mới của Ngân hàng…

Dựa trên nền tảng công nghệ số của VNPAY, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và cơ sở vật chất để phối hợp và cùng xây dựng hệ thống Mobile Banking và dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ Mobile Banking vào tháng 8 năm 2021. Với kết quả đã đạt được trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, Mobile Banking mà Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã và đang hướng tới hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm tuyệt vời, liền mạch cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng QTDND.

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là "Ngân hàng" của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, điều hòa vốn, hỗ trợ NHNN giám sát các QTDND, ngoài ra Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 – Tòa nhà N04 – Hoàng Đạo Thúy – P. Trung Hoà – Q. Cầu Giấy – Hà Nội với 32 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch. Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem