Chị Nguyễn Thị Hải An (Đông Ngạc – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có hai cô con gái đang học tiểu học và mầm non nên gần đây nghe thông tin trên báo đài chị hết sức lo lắng. Chị Hải An cho biết, ở nhà chị vẫn lưu tâm trong việc giáo dục cho con các kiến thức về giới tính như: không cho ai đụng vào khu vực mặc đồ lót, không nhận quà của người lạ... Tuy nhiên, theo chị con còn quá nhỏ nên thường... dạy trước, quên sau.
“Bố mẹ bận mải, thời gian được ở bên con cái rất ít, chủ yếu thời gian sinh hoạt của con là ở trên trường. Các cô giáo là người có ảnh hưởng đến con đôi khi nhiều hơn bố mẹ, hơn nữa cô dạy bao giờ con cũng nhớ hơn. Nếu như giáo dục giới tính trở thành môn học chính tại trường, có kiểm tra, thực hành... thì chắc chắn việc hình thành kỹ năng và phản xạ của con sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi rất mong mỏi điều đó” – chị An nói.
Tiết học về kỹ năng thoát hiểm tại trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông – Hà Nội). Ảnh T.A
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Bình – phụ huynh học sinh lớp 3A1 trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông – Hà Nội) cho biết, ở trường của con anh, giáo dục giới tính đã được chú trọng lồng ghép trong các tiết dạy và các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, theo anh như thế là chưa đủ.
“Cái mà tôi và nhiều phụ huynh khác mong muốn nhà nước, nhà trường, xã hội cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, bởi lẽ đối với các con hiện nay thái độ và kỹ năng mềm quan trọng hơn cả kiến thức. Đây là những phần nó đảm bảo an toàn cho các con” – anh Bình nói.
Theo anh Bình, nhà trường nên xây dựng hẳn một lộ trình cụ thể, rõ ràng trong việc giáo dục giới tính cho học sinh và đặt ra mục tiêu sau 1 năm, 2 năm các con sẽ học được gì, giáo viên được bồi dưỡng ra sao và phụ huynh thay đổi nhận thức như thế nào?
“Các con cần được dạy một cách thuần thục và thành phản xạ có điều kiện để có thể nhận diện tình huống, đưa ra cách xử lý kịp thời. Những điều này, giáo dục trong trường học là cách tốt nhất trang bị cho các con. Muốn đạt được điều đó phải có giáo trình giảng dạy bài bản và khoa học” – anh Bình đề xuất.
“Các em phải học cách sống tốt, sống an toàn trước khi học cách làm thế nào cho giỏi. Để làm được điều này, các thầy cô giáo cũng cần phải được nâng cao năng lực hiểu biết về quyền trẻ em, tiếng nói của trẻ, biết cách tương tác với trẻ để giúp trẻ có kiến thức đúng, được thực hành những kiến thức đó trong thực tế chứ không chỉ đến trường vì... điểm số” - bà Nguyễn Phương Linh
|
Nhận định về điều này, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững MSD (– tổ chức chuyên nghiên cứu và bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em), cho rằng, hiện nay giáo dục giới tính đã được đưa vào các trường học nhưng cách làm vẫn còn khá xa lạ với học sinh. Nhiều trường, các bài học chỉ mang tính chất... học thuộc lòng, thiếu hình ảnh minh họa, thiếu thực hành. Điều này chưa tạo cho các em phương pháp và cách thức để hiểu rõ về giới tính.
“Không chỉ đưa vào tiểu học, trung học, nếu như tham khảo các chương trình giáo dục quốc tế thì ta có thể thấy trẻ em 2 – 3 tuổi đã có thể bắt đầu nhận biết được giới tính của mình, nam nữ, các bộ phận cơ thể, chính các em cũng đã bắt đầu lên tiếng trong việc bảo vệ thân thể của mình rồi. Các con đã biết cách nói không, cách phát hiện các đụng chạm không an toàn, tâm sự lại với cha mẹ với thầy cô ngay trong khi có vấn đề...” – bà Phương Linh chứng minh.
Bà Linh cũng khẳng định, Bộ GD ĐT cần đưa giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng thoát hiểm thành môn học chính thức, quan trọng ngang bằng với các môn toán, lý, hóa, ngoại ngữ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.