Từ quy trình VietGAP bước vào sản xuất theo tiêu chuẩn RA (Rainforest Alliance - một tổ chức phi chính phủ Mỹ), cây chè Kỳ Trung đang hứa hẹn bước tiến mới về phát triển kinh tế.
Sau tết, gia đình chị Thái Thị Tịnh thu hái lứa chè đầu tiên kể từ khi đốn tỉa tạo hình vào thời điểm cuối năm
Sau nghỉ tết, gia đình chị Thái Thị Tịnh ở thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung bắt tay ngay vào thu hái gần 10 sào chè búp. Với hình thức đổi công cho nhau (lập nhóm làm cuốn chiếu lần lượt từng hộ), chỉ sau gần 3 ngày, toàn bộ diện tích chè của chị Tịnh đã được thu hái xong.
Với năng suất bình quân trên 30 tấn chè búp tươi/ha và giá bán trên 7.000 đồng/kg, lứa chè đầu tiên trong năm, gia đình chị thu được trên 100 triệu đồng.
Chị Tịnh cho biết, kể từ khi chuyển sang sản xuất chè VietGap và gần đây là theo tiêu chuẩn RA, các khâu sản xuất được yêu cầu hết sức khắt khe, đặc biệt là việc đảm bảo VSATTP.
Điều làm chị Tịnh cũng như các hộ dân trồng chè ở Kỳ Trung phấn khởi là sau một thời gian sản xuất chè theo quy trình VietGAP, gần 1 năm lại nay, Chương trình nông nghiệp bền vững của RA được chính thức áp dụng vào sản xuất chè tại Kỳ Trung. Với một quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn khắt khe, sau những khó khăn bước đầu, người trồng chè được hưởng lợi khá lớn từ mô hình sản xuất mới này.
Sau những khó khăn bước đầu, người trồng chè đã được hưởng lợi khá lớn từ mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn RA.
“Sản xuất theo tiêu chuẩn RA, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy không chỉ có sản phẩm chè sạch tuyệt đối cho thị trường, mà trước tiên người sản xuất chúng tôi cũng không lo độc hại; môi trường sinh thái cũng vì thế được cải thiện và ngày càng sạch hơn. Đặc biệt là rất yên tâm bởi có thị trường ổn định và giá bán sản phẩm cao hơn khá nhiều so với sản xuất theo quy trình cũ. Năm nay chúng tôi có khá nhiều lộc đầu xuân” - chị Thái Thị Tịnh phấn khởi tâm sự.
Không chỉ có thị trường ổn định mà giá bán sản phẩm chè RA cao hơn khá nhiều so với sản xuất theo quy trình cũ.
Không chỉ với gia đình chị Tịnh, những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, hàng trăm hộ dân xã Kỳ Trung đang hết sức phấn khởi khi sản xuất chè theo quy trình RA đang đi vào vận hành hiệu quả; đặc biệt bà con rất hào hứng và yên tâm hơn khi thực hiện sản xuất theo quy trình mới.
Vì vậy, mặc dù năng suất còn hạn chế do cây chè mới được đốn tỉa, tạo hình nhưng sản lượng đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Chỉ sau hơn 15 ngày thu hái, sản lượng chè búp tươi toàn xã được nhập vào nhà máy đạt gần 200 tấn, số tiền thu về trên 1,5 tỷ đồng.
Kỳ Trung là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Kỳ Anh
Đến thời điểm này, Kỳ Trung là địa phương có diện tích chè lớn nhất của huyện Kỳ Anh với 160 ha, trong đó 130 ha đã cho thu hoạch và cũng là diện tích được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn RA. Theo người dân ở đây, đến nay chưa có cây trồng nào có thể so sánh được với cây chè về hiệu quả kinh tế.
Là loại cây đã được xác định là sản phẩm chủ lực với thị trường đầu ra ổn định, cây chè đang được xã Kỳ Trung tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích trên cơ sở khai thác tối đa diện tích đất đai. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích chè của xã đạt trên 200 ha, sản lượng đạt 2.500 tấn/năm (năm 2018 đạt 1.600 tấn, trị giá 12 tỷ đồng).
“Ngoài tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân khai thác các diện tích đất còn hoang hóa, xã chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất, đưa các diện tích sản xuất cây công nghiệp kém hiệu quả như: keo lá tràm, sắn nguyên liệu… vào canh tác cây chè. Đặc biệt chỉ đạo mở rộng diện tích đến đâu thì thực hiện liên kết sản xuất theo quy trình RA đến đó” - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung Lê Đình Dũng cho biết.
Xí nghiệp Chè 12/9 (Kỳ Trung) vừa đầu tư thêm dây chuyền mới với tổng công suất đạt 40 tấn/ngày đêm
Một niềm vui và cũng là yếu tố tạo sự an tâm cho người trồng chè ở Kỳ Trung đó là dây chuyền sản xuất ở Xí nghiệp Chè 12/9 xã Kỳ Trung, từ chỗ chỉ đạt công suất 12 tấn/ngày đêm, vừa được Công ty Chè Hà Tĩnh đầu tư thêm dây chuyền mới, đưa tổng công suất toàn nhà máy đạt 40 tấn/ngày đêm (lượng chè búp tươi người dân nhập vào nhà máy hiện đạt 18 tấn/ngày).
Như vậy, song song với việc liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất bền vững RA, nhà máy được đầu tư dây chuyền chế biến công suất lớn, việc mở rộng diện tích trồng chè ở Kỳ Trung sẽ không lo tình trạng ế thừa sản phẩm – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung Lê Đình Dũng khẳng định.
Vũ Huyền (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.