Đây là loài cá chủ yếu sống trong nước mặn, có kích thước nhỏ, chiều dài cỡ hơn lóng tay. Ngoài biển, chúng bơi thành đàn và ăn các loại sinh vật phù du. Người ta đánh bắt cá cơm bằng cách cào lưới từ các ghe đi biển gần và nhỏ.
Cá cơm mới đánh bắt (ảnh minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Khi chế biến, cá cơm lựa cắt bỏ đầu, dùng tay bóp nhẹ cho ruột trồi ra để bỏ đi. Rửa sạch, để ráo. Sau đó đem cá ướp với nước mắm ngon (người dân biển thường hay ướp với nước mắm làm từ chính con cá này). Sau đó xóc đều cá, cho thêm ít bột ngọt, đường cát, ít tóp mỡ heo đã thắng vào ướp. Để một thời gian cho cá thật thấm mới bắc nồi đất lên bếp, trút cá vào kho với lửa nhỏ. Khi cá sôi, nước gần cạn thì cho vài muỗng nước cơm vừa chắc (chắt) vào để kho tiếp. Chính nước cơm này tạo cho nước nồi cá kho đặc sánh, con cá cơm cứng, vàng bóng. Cuối cùng, người ta rắc tiêu xay và vài lát ớt trước khi nhắc nồi xuống.
Cá cơm kho nước cơm đặc sánh (ảnh minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Bên chén cơm nóng, gắp những con cá cơm kho đủ cả vị mặn, ngọt, cay nồng vừa làm ngon miệng vừa nghe phảng phất đâu đây nét văn hóa ẩm thực của người dân miền biển quê hương.
Cũng là món cá cơm kho, nhưng có người lại xắt xoài còn xanh hoặc gọt trái cóc để làm phụ gia cho nồi cá. Cách kho này, dân gian gọi là kho lạt. Cá cơm kho lạt có thêm vị chua, chấm với rau luộc ăn cũng rất bắt cơm. Ngoài cách chế biến các món cá cơm như trên, dân gian còn đem cá cơm ướp với nước mắm ngon, chờ thấm rồi bắc chảo lên chiên giòn. Những con cá cứng giòn, mằn mặn ăn kèm với xoài sống, rau sống hái ngoài vườn nhà vừa đậm đà vừa thú vị biết bao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.