Móng Cái - những ngày dịch virus Corona phủ bóng

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 08/02/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trung tuần tháng Giêng, thành phố biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) đón những đợt mưa rả rích. Những con đường ồn ã người, xe, hàng hóa trước kia, nay vắng lặng như tờ. Chỉ còn tiếng loa phường tuyên truyền phòng ngừa dịch virus Corona là vang động thành phố.
Bình luận 0

Mối lo từ bên kia biên giới

Buổi tối Mùng 6 Tết Âm lịch (tức ngày 30/1), chị Hậu (trú ở phường Ninh Dương, TP.Móng Cái) bắt đầu lo lắng về dịch bệnh đến từ bên kia biên giới. Chương trình thời sự trên VTV1 phát đi bản tin: “Vào lúc 15h20 hôm nay (30/1), Việt Nam đã phát hiện 3 trường hợp công dân người Việt ở Thanh Hóa và Đông Anh, Hà Nội có kết quả dương tính với virus Corona...”. Đó là 3 công nhân của một nhà máy Nhật Bản ở Vĩnh Phúc, thời gian qua được cử đi tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc và về Việt Nam trên cùng một chuyến bay...

img

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái vắng tanh trong những ngày dịch virus Corona. Ảnh chụp ngày 6/2.

Không hẳn chị Hậu lo sợ về sự an nguy cho sức khỏe bản thân và gia đình, mà mối lo khác về kinh tế gia đình chị có nguy cơ sa sút.

Vốn làm nghề xách hàng thuê cho các công ty Việt Nam và Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, chồng thất nghiệp ở nhà, chị Hậu là lao động chính trong nhà. Là dân gốc Hòn Gai (TP.Hạ Long), nhưng chị Hậu đã bôn ba ở đất Móng Cái với nghề xách hàng qua cửa khẩu và buôn bán nhỏ lẻ hơn chục năm. Vài năm trở lại đây, công việc của chị ngày càng khó khăn do việc thắt chặt quản lý xuất nhập khẩu và chính sách cư dân biên giới. Nhưng vì nhanh nhẹn, hoạt bát, nên chị vẫn cạy cọ nuôi sống gia đình.

img

Chợ Trung tâm Móng Cái đóng cửa chưa biết ngày mở lại. Ảnh chụp ngày 7/2.

Nếu dịch bệnh xảy ra, giao thương hàng hóa 2 bên sẽ bị “đóng băng”, chị Hậu coi như mất việc.

Nỗi lo sợ của chị Hậu chẳng bao lâu sau trở thành sự thật. Chiều 31/1, chị nhận được thông tin đến nay dịch bệnh do virus Corona đã lan rộng ra 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khu vực Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh đã có những ca mắc bệnh được phát hiện.

Ngay lập tức, Chỉ thị số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh được thực hiện, trong đó yêu cầu: “Chỉ đạo thực hiện ngay việc cấm người qua lại và tạm thời đi lại tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới (kể cả trên bộ và trên biển); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Cửa khẩu Hoành Mô".

img

Hàng loạt các cửa hàng đóng cửa dù được phép mở bán. Ảnh chụp ngày 7/2.

Và từ ngày 1/2, sau khi Thủ tướng chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra tại Việt Nam, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái gần như “khép lại”. Người nhập cảnh bị cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe, người được xuất cảnh chủ yếu là những công dân Trung Quốc về nước. Móng Cái phút chốc im lìm như một thị trấn nhỏ ít người.

“Hơn chục năm ở Móng Cái, chưa bao giờ em nhàn rỗi như lúc này. Mọi hôm tất bật ra cửa khẩu từ 6h sáng để chuẩn bị hàng hóa, giờ ngủ đến 9h, dậy chuẩn bị cơm trưa, ăn xong lại ngủ. Tình hình kéo dài như thế này chỉ có nước đói thôi anh ạ!” – chị Hậu nói, tay kéo chậu nước hứng mưa để rửa rổ rau vừa mới nhặt.

Điệp khúc “ăn – ngủ” cũng lặp lại với Đặng Dẩu Sồi mấy ngày nay. Là người dân tộc Dao, ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Sồi theo một người anh họ xuống Móng Cái làm nhân viên phục vụ trong một quán karaoke. Nhưng kể từ hôm mùng 6 Tết (30/1) đến nay, Sồi vẫn nằm dài trong căn phòng trọ ở phường Hải Hòa (TP.Móng Cái).

img

Đặng Dẩu Sồi nằm dài trong nhà trọ chờ việc.

“Em tính ở nốt hôm nay (7/2), nếu không có việc mai em sẽ về Ba Chẽ” – Sồi nói. “Thế về quê rồi tính làm gì kiếm sống?”. “Chắc em lại lên rừng mót củ, hay đi chặt keo thuê thôi. Bao giờ Móng Cái có việc em lại xuống”.

Những nhà hàng, quán hát, khách sạn ở Móng Cái trước đây đông nghẹt khách, từ du khách người Trung Quốc đến khách nội địa đều đông. Nhưng giờ có dịch, ai cũng tránh những chốn tụ tập đông người, nên những người làm nghề như Sồi hầu hết bị thất nghiệp.

“Bao giờ Móng Cái có việc?”, đó cũng là câu hỏi của hàng nghìn lao động phổ thông từ các tỉnh lẻ đã chọn Móng Cái làm chốn mưu sinh. Từ khi về quê đoàn tụ cùng gia đình ăn Tết, đến nay những lao động phổ thông này vẫn nằm dài ở nhà, chưa dám trở lại Móng Cái làm việc vì sợ dịch. “Mà cũng có việc đâu mà ra làm” – Thường, quê Thái Bình, một thợ sửa đồng hồ ở chợ 2 Móng Cái, nói với tôi qua điện thoại. 

Quán, chợ vắng vẻ

img

Điểm mua sắm Quốc tế Hòa Bình ngay sát cửa khẩu cũng bị tạm đóng cửa. Ảnh chụp ngày 6/2.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Móng Cái. Các chuyến xuất cảnh đến và đi bị ngừng lại không chỉ gây "tổn thương" lớn cho ngành du lịch mà còn làm "tắc nghẽn" hệ thống thương mại tại Móng Cái. Hàng loạt các đơn vị lữ hành đang trong những ngày dài chờ đợi qua đợt dịch. Đến ngày 3/2, UBND TP.Móng Cái ra thông báo tạm dừng hoạt động hàng loạt các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, như: Chợ trung tâm, Chợ 2, Trung tâm thương mại Móng Cái Plaza, Trung tâm thương mại Vinh Cơ 1, Vinh Cơ 2, Điểm mua sắm Quốc tế Hòa Bình, Asean....

Chiều ngày 7/2, anh Nguyễn Văn Sự (ở Hải Tiến, Móng Cái, chủ một kiot bán hàng gia dụng tại Trung tâm thương mại Vinh Cơ 2) cùng vợ ra cửa hàng để lấy một số đồ dùng mang về. Từ cuối năm 2018, anh Sự thuê lại kiot này của một chủ người Trung Quốc, với giá thuê, cộng phí, thuế ngót 10 triệu đồng/tháng.

img

Vợ chồng anh Sự chưa biết bao giờ mới được mở cửa kiot ở Trung tâm thương mại Vinh Cơ 2 để bán hàng, ổn định cuộc sống. 

“Bao năm vợ chồng em đi làm thuê vất vả, vừa tích cóp được ít tiền để mở cửa hàng này thì hết hàng hóa cửa khẩu khó khăn, giờ lại xảy ra dịch phải đóng cửa chợ. Em ký hợp đồng thuê cái kiot này 2 năm, đã thanh toán tiền rồi, cả mấy miệng ăn trông chờ vào nó (kiot bán hàng – PV), giờ chẳng biết cuộc sống gia đình sẽ ra sao nữa anh ạ!” – Sự nói, mắt vẫn ngó nhìn trời mưa, chờ nhẹ hạt để 2 vợ chồng phóng xe máy về Hải Tiến.

Trời sẩm tối, bà Quỳnh (quê Diễn Châu, Nghệ An) đẩy chiếc xe đựng phế liệu thu gom tại các chợ về khu nhà trọ. Chiếc xe ấy đã theo bà 5 năm nay với nghề nhặt phế liệu, trước vẫn đầy ăm ắp, ngày 2,3 lượt đẩy đi bán cũng được 300-400.000 đồng, giờ cả ngày không nổi mấy chục nghìn đồng. Bà Quỳnh buồn lắm.

img

Chiếc xe chở phế liệu đã nuôi sống gia đình bà Quỳnh 5 năm nay, giờ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng mỗi ngày.

“Mới hôm kia (5/2) bắt xe mất mấy trăm nghìn từ quê ra đây, tôi có biết tình hình Móng Cái thế này đâu. Giờ không lẽ lại bắt xe về, thôi thì cứ nhặt nhạnh vậy” – bà Quỳnh than vãn.

Mưa vẫn rơi nặng hạt. Ánh đèn từ các cửa tiệm vắng khách hắt xuống đường phố loang loáng nước. Chúng tôi tìm đến mấy quán cơm quen nhưng đều đã đóng cửa, phải đến một nhà hàng trên phố Vườn Trầu, đợi rõ lâu người phục vụ mới bưng cơm lên, dù cả quán rộng chỉ có 4 người khách.

Tiếng loa phường ngoài cửa nhà hàng phát ra âm thanh vào đúng 18h45 phút: “...Từ ngày 29/1 đến 11h ngày 7/2 đã phát hiện 26 công dân bị sốt, ho, đã đưa về Trung tâm Y tế Móng Cái để cách ly, điều trị, theo dõi. Hiện nay có 2 công dân sức khỏe ổn định và đã xuất viện. Đối với người nhập cảnh, từ 7h ngày 1/2 đến 11h ngày 7/2 đã thực hiện cách ly 278 người. Mọi người chú ý, cần thực hiện nghiêm...”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem