Mỏng manh ranh giới “con nghiện-tội phạm”: Vòng tròn 06

Thứ năm, ngày 24/02/2011 14:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 Đà Nẵng được học viên (con nghiện) coi như "trạm dừng chân", nơi an dưỡng. Bởi vậy, những đối tượng này xem nhẹ chuyện vào - ra "trại".
Bình luận 0

"Trạm dừng chân", trốn nợ...

Nguyễn Văn Gió, SN 1982, quận Thanh Khê, nguyên là "đối tượng xã hội" của Trung tâm 05 - 06 Đà Nẵng, hiện là "đối tượng hình sự" đang thụ án (4 năm) tại Trại giam Bình Điền, Thừa Thiên - Huế, là một minh chứng rõ nhất về cái gọi là vòng tròn 06 này.

Gió "dính" ma tuý từ hồi còn ngồi ghế phổ thông, tuy nhiên đến năm 2 ĐH mới bị bắt, tập trung vào "trại". Chỉ sau 7 ngày ở “trại”, gần như cơn nghiện đã cắt đứt hẳn. Trong 4 tháng, Gió hoàn toàn trở lại thành một cậu sinh viên tốt.

Với bề ngoài như vậy, khi trở về đã khiến bạn bè, người thân không dưới 10 lần đi chuộc lại xe máy, tài sản có giá trị khác. Đến khi món nợ ma tuý đã chồng chất, Gió gần như chủ động để bị bắt, quay về "nghỉ dưỡng" 6 tháng tại Trung tâm. Đó cũng chính là thời gian gia đình Gió phải kiếm tiền, hoàn trả các món nợ cho con. Lần thứ 2 ra “trại”, kịch bản cũ vẫn tái diễn, song có phần ly kỳ hơn khi Gió bị các đối tượng bán nợ ma tuý chém suýt chết.

Gió đồng ý để gia đình đưa trở lại “an dưỡng” ở Trung tâm 06 theo chế độ tự nguyện. Nhận thấy việc "tự nguyện" trở lại chỉ bị quản 8 tháng (nếu bị bắt 12-24 tháng), nên Gió cùng nhiều "đồ đệ" đã dùng cách này để tạm lánh, xù nợ, thậm chí trốn sự điều tra của công an khi phạm tội... Việc ra vào kéo dài gần 10 năm và có thể là suốt đời, nếu như năm 2010, Gió không bị tóm gọn khi đang dùng dao, trấn cướp tiền để hút chích.

Trường hợp Nguyễn Văn Gió không phải là điển hình, mà là nguyên mẫu của phần lớn các con nghiện hiện đang "an dưỡng" tại Trung tâm 05-06.

"Túi khổ" của xã hội

"06" là tên một Nghị quyết của Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Kể từ năm 1993, số "06" nghiễm nhiên được ấn chỉ các đối tượng ma tuý.

Theo Giám đốc Trung tâm - ông Nguyễn Hùng Hiệp, trong số 387 đối tượng ma tuý tại "trại", có đến 287 em ở độ tuổi 18-30. Đối tượng nghiện mới ngày càng trẻ hoá.

Đặc biệt, chỉ có 2-3 trường hợp là tự nguyện đến trại cai nghiện. Tất nhiên, đấy cũng chỉ là sự tự nguyện của gia đình, chứ bản thân đối tượng đó cũng chỉ vì "cưỡng chế gia đình" mà đến.

Trên 90% còn lại là bị công an phường, cảnh sát ma tuý... bắt quả tang đang sử dụng hoặc test thấy ma tuý khi bị nghi vấn, bị bắt do các hành vi phạm pháp khác, rồi cưỡng chế hành chính, đưa lên "trại". Điều đấy đã minh chứng bằng tỷ lệ tái nghiện cao ở hầu hết các địa phương.

Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng - bà Nguyễn Thị Thanh Hưng gọi Trung tâm 05-06 - đơn vị trực thuộc của ngành mình là cái "túi khổ". Khổ vì Nhà nước phải chi ngân sách, nhân lực, trang thiết bị y tế... để quản giáo, trị liệu giúp các đối tượng cai nghiện mà bỏ ma tuý.

Ngược lại, các đối tượng "ăn không ngồi rồi" này chỉ dành thời gian, bàn tính phương kế để đối phó, chống trả hoặc bôi nhọ cán bộ.

Ngoài 250/387 đối tượng ma tuý từng có tiền án, tiền sự, có 21 đối tượng đã mang bệnh HIV/AIDS. Các đối tượng này luôn biết dùng "thế mạnh" của mình để đe doạ các học viên khác và cả cán bộ để yêu sách. Một đối tượng ma tuý đã từng thổ lộ với người viết, trước khi bị thu gom và sau khi "ra trại", tái nghiện, các đối tượng ma tuý đã tìm mọi cách để có tiền tiêu xài, hút chích.

Ngoài tiền có được từ lừa đảo, trộm cắp tài sản trong gia đình, người thân, tiền kiếm được còn lại đều do trộm cướp, trấn lột mà có. Khi hết cách kiếm tiền hoặc nợ chồng chất, chúng tìm cách để bị bắt hoặc tự nguyện trở lại trại để tạm nghỉ dưỡng. Tuy vậy, hiện chưa có sự phân loại nào xem xét các đối tượng cố tình "ăn bám" ngân sách nhà nước bằng cách vào Trại nghỉ dưỡng 05-06.

Đến ngày 23.2 vẫn còn 27 đối tượng chưa quay trở lại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp- Trung tâm không tiếp tục tìm kiếm, thu gom các đối tượng này nữa, chỉ kêu gọi gia đình động viên các em trở lại. Trong khi đó, có 1 học viên tên Nguyễn Khắc Thành (thường gọi là cu Bi), sinh năm 1981, là đối tượng vào "trại" cai nghiện lần 2, bị nhiễm HIV/AIDS đã chết sau khi Trung tâm chuyển đến BV Đà Nẵng vài giờ đồng hồ.

Về tin đồn có 1 học viên bị chết, 2 người khác trọng thương sau khi bị "thu gom" trở lại Trung tâm là do bị đánh, ông Nguyễn Hùng Hiệp đã bác bỏ thông tin này. Ông Hiệp cho biết: "Trường hợp cái chết của Thành là do chết bệnh".

>> Đón đọc bài 3: Nhiều gia đình phải bán nhà để cứu con là các con nghiện, song vẫn chứng nào tật ấy, các đối tượng này đã làm bố mẹ khánh kiệt. Từng mảnh vỡ gia đình nếu không kịp "cứu chữa" sẽ báo nguy cho xã hội...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem