Cắt chi chỗ nào để tăng lương và tình hình “túi tiền” của Nhà nước trong năm 2016 ra sao đã được nhắc đến rất nhiều trong phần thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, tại kỳ họp thứ 10, ngày 22-10.
Cắt bớt tiền đi nước ngoài để tăng lương
“Khi tiếp xúc cử tri năm 2014, tôi hứa bà con cử tri cố gắng chờ 2015 sẽ tăng lương. Giờ năm 2016 tiếp tục không tăng, tôi không dám trả lời cử tri nữa” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Minh đến từ TP.HCM đầy tâm tư trong phiên thảo luận tình hình kinh tế-xã hội ngày 22-10.
Ông Minh bày tỏ sự không đồng tình với giải trình của Chính phủ vì thu ngân sách khó khăn nên chưa tăng lương cơ sở. Bởi việc này ảnh hưởng tới đời sống của người lao động trong khu vực công. “Việc cần thiết như vậy thì nên giảm một số nguồn chi khác mà tăng lương” - ông Minh nói.
ĐB Trần Du Lịch phân tích câu chuyện này sâu hơn từ góc độ quản lý chi ngân sách. Theo ông, thu ngân sách hiện không đủ để chi thường xuyên, tất cả đầu tư phát triển phải trông chờ vào đi vay.
“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là tiết giảm chi thường xuyên. Tôi thưa rằng muốn tăng lương, QH phải quyết cắt nhiều khoản chi thường xuyên” - ông Lịch nói và gợi ý cắt những chuyến đi nước ngoài kết hợp du lịch để Nhà nước trả tiền.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình, đề nghị thêm: “Năm nay cần cắt giảm dứt khoát về biên chế trong bộ máy nhà nước. Động thái này sẽ làm lộ rõ ra những khuyết tật của cơ cấu biên chế và tổ chức bộ máy của chúng ta, từ đó nảy sinh vấn đề thực tiễn là cần đổi mới bộ máy”.
ĐBQH Trần Du Lịch: Muốn tăng lương thì QH phải quyết cắt, chẳng hạn cắt bớt những chuyến đi nước ngoài kết hợp du lịch. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
“Ngân sách 2016 rất căng thẳng”
Cũng liên quan đến câu chuyện lương - ngân sách, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cho hay: “Chính phủ bàn nát ra rồi, ngân sách 2016 rất căng thẳng”.
Theo ông Vinh, dù tài liệu mà Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi QH dự kiến thu ngân sách 2016 sẽ tăng hơn 60.000 tỉ đồng so với 2015 nhưng con số này thực ra là “tăng kỹ thuật”.
Ông lý giải lâu nay các tỉnh vẫn có khoản thu về xổ số - chừng 20.000 tỉ đồng/năm, thu từ tiền sử dụng đất - chừng 40.000 tỉ đồng/năm nhưng tất cả không được quản lý trong ngân sách. Vừa qua sửa luật, QH đã yêu cầu quản lý vào cùng hệ thống ngân sách nên dự toán thu 2016 tăng.
Báo cáo tiếp về thực trạng ngân sách nước nhà, ông Vinh cho biết con số tuyệt đối ngân sách hơn 255.000 tỉ đồng thì riêng ngân sách địa phương đã chiếm 52%. Phần này các tỉnh, thành tự quản lý, thu chi. Phần còn lại trung ương nắm giữ 154.000 tỉ đồng thì hầu hết đã có địa chỉ, hạng mục chi tiêu. Tính ra chỉ còn 45.000 tỉ đồng.
Khoản này nghe ra lớn nhưng thực ra còn phải trả nợ. Rồi hàng loạt nhu cầu đầu tư từ các bộ ngành, địa phương xin lên: Từ phát triển giao thông tới kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi; từ tăng chi an sinh xã hội cho hộ nghèo, khó khăn tới nhu cầu rất lớn cho chương trình nông thôn mới. “Rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều nhu cầu mà ngân sách khó thế, trung ương lấy đâu ra mà điều tiết!” - Bộ trưởng trải lòng.
Nghe tới đây, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đã thế lại còn vay nợ ngắn hạn, chưa đầu tư được gì thì đã phải vay tiếp để trả nợ thì lấy gì mà cân đối. Chưa kể, một năm nay chưa có đồng nào để tăng lương. Nói hay thế mà một đồng tăng lương cũng không có, là thế nào?”.
Những đau đáu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Chia sẻ với các ĐBQH, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Đất nước nào muốn phát triển cũng phải có nền tảng công nghiệp. Nhưng sản xuất nền tảng của ta ngày càng mất đi. DN thì toàn loại nhỏ, làm ăn không bài bản. Đây là vấn đề tôi trăn trở nhất!” - ông Vinh nhấn mạnh.
“Trăn trở thứ hai của tôi là nông nghiệp” - ông Vinh nói. Khí hậu, đất đai, tài nguyên cùng sự cần cù, chịu khó của người nông dân đã đưa nhiều sản phẩm có sản lượng đứng đầu thế giới. Thế nhưng giá trị gia tăng từ nông nghiệp lại vô cùng thấp.
“Phải tìm cách nào đó để sản xuất nông nghiệp đi vào chất lượng, vào canh tác quy mô lớn, giảm bớt kinh tế hộ gia đình. Làm sao giải phóng tư tưởng, cho mua bán đất, tạo điều kiện cho tích tụ đất đai. Phải mạnh mẽ lên, vì đây là lực cản cho sự phát triển của đất nước. Đây là vấn đề rất lớn mà QH, là Chính phủ nhiệm kỳ tới cần tập trung giải quyết” - Bộ trưởng Vinh thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Qua Facebook, Chính phủ gần dân hơn
Liên quan đến thông tin Chính phủ đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook, theo Infornet, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay: Việc Chính phủ đưa thông tin lên Facebook để người dân tiếp cận thông tin qua mạng xã hội là một thuận lợi, tốt cho người dân trong việc biểu đạt tình cảm, trách nhiệm của mình, thể hiện quyết tâm của mình với thông tin đó, thậm chí phản biện thông tin đó. Điều này góp phần để Chính phủ có một kênh để biết được hay chưa được về chính sách của mình, kịp thời bổ sung cho tốt nhất.
Theo Bộ trưởng, thực tiễn hiện nay đang có những thay đổi, tiến bộ xã hội, chúng ta phải thích ứng. “Chúng ta xác định Facebook là công cụ phương tiện chứ không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó, tận dụng Facebook như công cụ phương tiện để người dân tiếp cận gần hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Bộ trưởng so sánh: “Với trang web, nhiều người ngại vào, giống như Chính phủ ngồi trong phòng của Chính phủ, người đến cũng ngại, phòng nhỏ, người vào hạn chế. Qua Facebook, Chính phủ ngồi gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn comment vào đó”. Như vậy, người dân sẽ tiếp cận nhiều hơn với thông tin xã hội, nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng của chuyên gia, của người dân sẽ đến với Chính phủ.
PV
|
Nhóm phóng viên (Pháp luật TPHCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.