Một năm thu 11 tỷ đồng, nhưng Trung tâm chiếu phim QG vẫn gặp khó

Thanh Hà Thứ hai, ngày 22/01/2018 15:06 PM (GMT+7)
Theo ông  Danh Dương -Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC), một năm Trung tâm nộp ngân sách trên 11 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn khi cạnh tranh với hệ thống rạp nước ngoài.
Bình luận 0

Hiện nay, Trung tâm chiếu phim Quốc gia đang được đánh giá là một trong những đơn vị kinh doanh điện ảnh duy nhất của Nhà nước có thể tồn tại vững chãi trong cơ chế thị trường. Với mô hình hiện đại của cụm rạp có diện tích hơn 10 ngàn mét vuông, địa thế vàng ở ngã tư đường thu hút mỗi năm trên 2 triệu lượt khán giả, chiếm một thị phần đáng kể của điện ảnh Việt Nam hẳn là những nỗ lực không giản đơn của một đơn vị kinh doanh điện ảnh nhà nước trong bối cảnh hiện nay. NCC cũng có lợi thế cạnh tranh bởi ngay tại một địa chỉ, khán giả có thể lựa chọn xem các loại hình phim với các định dạng 2D, 3D, 4D. 

img

Theo ông Nguyễn Danh Dương, trong năm 2017 vừa qua Trung tâm cũng rất cố gắng đưa được 4 phòng chiếu mới vào hoạt động từ tháng 1, những phòng chiếu này cũng làm thay đổi chất lượng phục vụ của trung tâm chiếu phim quốc gia. Thực ra, trong sự cố gắng nỗ lực không phải là trọn vẹn vì thực ra trong 12 phòng chiếu hiện nay thì ngoài phòng chiếu 4D thì chỉ còn 5 phòng chiếu thực sự tốt, còn lại những phòng chiếu khác thiết bị thì tốt nhưng không gian phòng chiếu chưa được phù hợp.

“Trong các phòng chiếu chúng tôi cũng cố gắng đầu tư về cơ sở hạ tầng để làm sao đạt được tiêu chuẩn của thế giới. Cái này chúng tôi đang cố gắng từng ngày, đặc biệt là từ năm 2008 khi mà thế giới thay đổi hệ thống công nghệ từ phim nhựa chuyển sang video thì trung tâm chiếu phim quốc gia cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu, sự đòi hỏi của khán giả, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của công chúng yêu phim truyện.

Đây cũng là một trong những nội dung mà trong thời gian tới chúng tôi muốn có sự thay đổi sao cho hoàn chỉnh hơn, tốt hơn để xứng đáng là một trong những trung tâm văn hóa lớn của thủ đô Hà Nội. Then chốt trong quan điểm đầu tư và phát triển của NCC là thông qua điện ảnh để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam. Đó là lý do những bộ phim trong nước luôn được ưu ái về các suất chiếu, khung giờ nhằm thu hút đông nhất lượng khán giả đến rạp. Trung tâm luôn cố gắng để mỗi bộ phim đều có thể“sống” tại rạp lâu nhất, dù đó là những bộ phim bom tấn nước ngoài hay phim trong nước, bởi khán giả sẽ là những “giám khảo” công tâm nhất cho sức sống của mỗi tác phẩm điện ảnh”, ông Nguyễn Danh Dương cho biết.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Danh Dương, trong cơ chế thị trường như hiện nay, NCC cũng không ngoại lệ như các doanh nghiệp Nhà nước ở các lĩnh vực khác, cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

img

Bộ phim "Em chưa 18" của Việt Nam đã đạt kỷ lục về doanh thu trong năm 2017

“Trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những hoạt động của mình. Trong quá trình hoạt động của mình Trung tâm hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà phát hành phim. Đặc biệt đối với các nhà phát hành phim của các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi không có điều kiện để mặc cả về tỉ lệ. Họ nói tỷ lệ phải bao nhiêu Trung tâm phải chấp nhận bấy nhiêu, nếu không chấp nhận, họ sẽ mang phim đi chỗ khác và chúng tôi không thể có bất cứ ý kiến gì.

Nếu như muốn trao đổi với họ, kiện họ thì trong hợp đồng yêu cầu,  trong 5 năm sau mới được công bố nội dung của hợp đồng. Hơn nữa Bộ Công thương cũng yêu cầu chúng tôi muốn kiện thì phải có bằng chứng, trong khi hợp đồng đã ký, chúng tôi không dám đưa nội dung của hợp đồng ra để kiện họ. Cho nên đây cũng là một trong những nội dung mà tất cả những doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị nhỏ không có bất cứ một lợi thế nào trong hoạt động cạnh tranh ở phim trường”.

“Hiện nay, các cụm rạp của nước ngoài đang chiếm tới trên 60% số lượng rạp trên toàn quốc. Đối với nền điện ảnh và công nghiệp điện ảnh số lượng rạp là điều quyết định sự phát triển, muốn sản xuất được thì phải có đầu ra. Bản thân rạp sẽ quyết định tỉ lệ chúng ta chia sẻ với nhau để tái đầu tư sản xuất. Tôi biết rằng ở nước ngoài họ nói thằng với tôi, rằng “Việt Nam là cái mỏ vàng trong các khoản đầu tư. Và từ nay cho đến năm 2020 họ sẽ đầu tư cho riêng mỗi một công ty ví dụ là khoảng 15%/ 1 năm. Chúng tôi cũng nói với nhau rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi thì số lượng phòng chiếu trên đất nước Việt Nam này có khi 85% là của người nước ngoài”. Khi mà đã là 85% của người nước ngoài rồi thì toàn bộ nền công nghiệp phim truyện của Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, kể cả có ra được rạp thì cũng phải chịu một tỉ lệ rất thấp, và phải làm theo ý họ thì họ mới chấp nhận cho vào rạp của họ. Đấy là những vấn đề mà chúng ta sẽ cảm nhận được. Nếu như vậy, tôi e rằng, bên cạnh sự “lép vế” về thị phần điện ảnh thì đáng lo ngại nhiều hơn chính là sự mất mát về văn hóa, một vấn đề nguy cấp của điện ảnh nước nhà…” ông Dương trăn trở.

Ngoài những khó khăn mà ông Nguyễn Danh Dương chia sẻ, ông tiết lộ mục tiêu cho năm 2018 và các năm tiếp theo của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia: “Trong năm 2018 chúng tôi sẽ tập trung vào cải tạo một cách cơ bản những phòng chiếu mà hiện nay chưa đạt chuẩn. Tôi tin rằng mùa xuân năm 2019 chúng ta sẽ có thêm 8 phòng chiếu hết sức hiện đại, vị trí đang làm việc sẽ trở thành phòng chiếu phim, và nơi làm việc mới sẽ được chuyển sang khu Láng Hạ. Toàn bộ khu này sẽ được quy hoạch thành phòng chiếu phim. Chúng tôi cũng hi vọng toàn bộ tầng 1 cũng sẽ trở thành một khu vui chơi giải trí tốt. Đó là một trong những điều chúng tôi tâm đắc nhất và cố gắng thực hiện bằng được việc cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất. Tôi cũng hi vọng rằng, chúng ta sẽ cảm thấy tự hào vì Việt Nam có một cơ sở duy nhất của nhà nước hiện nay kinh doanh sòng phẳng, hoạt động sòng phẳng với tư nhân, với các đơn vị nước ngoài mà vẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem