dd/mm/yyyy

Một ông nông dân Thanh Hóa trồng lung tung đủ thứ cây theo kiểu chẳng giống ai, thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng

Đầu tư lớn, có hướng làm riêng, ông Trịnh Huy Hùng đã gặt hái được những thành công. Gần đây nhất là năm 2020, ông có thu nhập hơn 2 tỷ đồng từ trang trại tổng hợp này, lợi nhuận khoảng 50%. 12 lao động địa phương có việc làm ổn định tại đây, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Đầu tư lớn, có hướng làm riêng, ông Trịnh Huy Hùng đã gặt hái được những thành công. Gần đây nhất là năm 2020, ông có thu nhập hơn 2 tỷ đồng từ trang trại tổng hợp này, lợi nhuận khoảng 50%. 12 lao động địa phương có việc làm ổn định tại đây, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Một ông nông dân Thanh Hóa trồng lung tung đủ thứ cây theo kiểu chẳng giống ai, thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng - Ảnh 1.

Vườn cây ăn quả được trồng theo hướng hữu cơ của ông Trịnh Huy Hùng ở thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Ảnh: Lê Đồng

Hơn chục năm trước, thung lũng Bãi Trời vốn là khu vực đất bỏ hoang được Nhân dân xã Thành Vân cũ (nay sáp nhập vào thị trấn Vân Du) huyện Thạch Thành chăn thả trâu bò. Thấy vùng đất đỏ bazan màu mỡ không phát huy được hiệu quả, ông Trịnh Huy Hùng ở khu phố 1, thị trấn Vân Du đã đấu mối, thuê lại đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa. Những vườn cây ăn quả tập trung được canh tác theo hình thức hữu cơ, sản xuất sạch, đã biến vùng đất cỏ mọc um tùm ngày nào thành trang trại VietGAP tiền tỷ.

Chỉ cách Quốc lộ 45 chừng 300m, một vùng cây ăn quả trù phú rộng cả chục héc ta với tên gọi Trang trại Nông sản Hùng Hải được triển khai khá quy mô. Với 3 bên là núi đá dựng đứng biến nơi đây thành một khu sản xuất biệt lập, nhưng lại khá thuận lợi về giao thông nên sản phẩm được các xe ô tô tải đến trung chuyển dễ dàng. Với 11 ha đất khá bằng phẳng, ông Hùng đã có định hướng trồng cây ăn quả theo hình thức hữu cơ, sản xuất sạch ngay từ đầu để gây dựng thương hiệu. Xét thấy vùng đất này có sản phẩm cam Vân Du nổi tiếng từ thời bao cấp nên ông quyết định chọn cam và bưởi là 2 cây trồng chính để phát triển sản xuất. Từ vốn liếng của gia đình, vay mượn anh em bạn bè và ngân hàng, ông đã thuê máy móc cải tạo mặt bằng, xây dựng đường giao thông kiên cố vào khu sản xuất, đào ao thả cá và trữ nước tưới cho vườn cây quanh năm.

Sau quá trình lấy ngắn nuôi dài những năm đầu, đến năm 2014, ông quyết định khởi động quá trình sản xuất quy mô lớn bằng đầu tư trồng 2 ha bưởi Diễn. Đến năm 2017, huyện Thạch Thành có đề án phát triển cây ăn quả tập trung, ông đã đấu mối và được hỗ trợ một phần để phát triển toàn bộ diện tích còn lại là các loại cam và bưởi. Qua những năm đầu trồng thử nghiệm, ông đã lựa chọn 3 giống cam phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây, gồm: cam Vinh, cam Vân Du và cam Canh. Với 5 ha bưởi hiện tại, ngoài diện tích bưởi Diễn ban đầu, ông cũng đa dạng hóa các giống bằng việc phân bổ từng khoảnh để trồng cả bưởi da xanh, bưởi Tân Lạc. Hệ thống tưới phun sương cũng được đầu tư tỏa khắp khu vực rộng lớn để thay thế sức người.

Khác với cách làm của nhiều nhà vườn tại địa phương, ông Hùng đã lặn lội ra tận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - nơi có truyền thống trồng cây ăn quả để thuê một “chuyên gia” là chủ vườn lâu năm về làm việc. Mọi công việc được giao cho người quản lý này, đồng nghĩa những kinh nghiệm trồng cây ăn quả của tỉnh bạn được áp dụng cho vùng trồng cây ăn quả này. Được chăm bón đúng cách, các loại cây trồng tại thung lũng sau gần 2 năm đã ra quả, cho thu nhập năm sau nhiều hơn năm trước.

Ngay từ những ngày đầu, chủ vườn cây đã xác định canh tác hữu cơ nên không bón phân hóa học. Ông Hùng đầu tư khu nhà nuôi giun rộng tới 2.000m2, với tổng vốn 3 tỷ đồng, mua phân chuồng từ các trang trại chăn nuôi và tận dụng rác thải của trang trại mình để tạo nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Cây ăn quả được bón phân chuồng thì năng suất hơn, chất lượng cao hơn bón phân hóa học. Đến nay, không chỉ dư nguồn dinh dưỡng cho cây, mỗi năm ông bán ra hơn 1 tỷ đồng tiền giun và phân bón - trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của trang trại.

Nói về giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, ông không thể quên được những thời điểm khó khăn liên miên như thách thức ý chí khơi dậy tiềm năng thung lũng của mình. “Liên tục phải chạy vạy vay mượn, tiền đầu tư cứ như gió vào nhà trống. Năm 2017, tôi nợ đến 7 tỷ đồng. Làm nông nghiệp rủi ro nhiều, trong đầu luôn lo nơm nớp, nếu thất bại vài năm thì không thể vực dậy” - ông Trịnh Huy Hùng giãi bày. Không những thế, những năm đầu, trái cây thu hoạch quá nhiều không biết bán đi đâu, việc nắm bắt thị trường còn hạn chế nên thường bị tư thương ép bán giá rẻ. Từng bước khắc phục những thử thách, ông lấy lợi nhuận hằng năm tiếp tục tái đầu tư. Theo nhẩm tính của ông chủ tuổi trung niên này, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng hệ thống nhà giun và phát triển vườn cây vào khoảng 12 tỷ đồng.

Đầu tư lớn, có hướng làm riêng, ông Trịnh Huy Hùng đã gặt hái được những thành công. Gần đây nhất là năm 2020, ông có thu nhập hơn 2 tỷ đồng từ trang trại tổng hợp này, lợi nhuận khoảng 50%. 12 lao động địa phương có việc làm ổn định tại đây, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Vào các tháng thu hoạch, hơn 20 lao động thời vụ khác được ông thuê hái cam, đóng bao để đưa ra thị trường. Tiếng lành đồn xa về chất lượng cũng như hướng sản xuất sạch, vài năm gần đây, 100% cam và bưởi các loại của ông đều có tư thương đến tận trang trại thu gom. Theo ông Hùng, doanh thu mỗi năm đều tăng bởi cây càng lớn thì năng suất càng cao. Hơn nữa, “cây được canh tác theo hướng hữu cơ sẽ kéo dài thời gian thu hoạch tới trên dưới 20 năm, thay vì chỉ 7 đến 9 năm đã bị cỗi do bón phân hóa học và dùng các chất kích thích” - ông Hùng lý giải.

Để nâng cao hiệu quả vườn cây, thời gian gần đây ông trồng bưởi thế, cam cảnh trong chậu để cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ông cũng đang thay thế dần các giống cam và bưởi chín muộn và chín sớm để tránh thu nhập ồ ạt khiến giá rẻ. Theo lý giải của ông, chỉ cần thu hoạch sớm hơn 10 ngày đến nửa tháng so với thời điểm cam chín rộ của cả nước, thì giá bán có khi tăng gấp đôi. Việc thay thế cây cũng không mất nhiều giời gian kiến thiết, bởi chỉ cần giữ lại gốc cam cũ, ghép với cành của giống mới là có quả ngay trong năm. Được công nhận là trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP chính là thành công, là “chiếc vé thông hành” cho sản phẩm trái cây được sản xuất tại mô hình trồng cây ăn quả lớn này.

L.Đ