Một Sa Ná mới "hồi sinh" mạnh mẽ sau lũ dữ

Hữu Dụng Thứ sáu, ngày 06/12/2019 16:35 PM (GMT+7)
Có lẽ sau nhiều năm nữa, người dân xã Na Mèo sẽ vẫn không thể quên trận lũ quét kinh hoàng hồi tháng 8/2019 đã khiến 24 ngôi nhà ở bản Sa Ná (xã Na Mèo) bị cuốn trôi, xô đổ, đau thương nhất là có 15 người đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng sau hơn 3 tháng trôi qua, giờ đây một bản Sa Ná mới vững chãi, an toàn hơn đang từng ngày hồi sinh, cuộc sống mới đang dần đến với bà con các dân tộc nơi đây...
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 11/2019, chúng tôi có dịp trở lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đường lên Sa Ná vẫn còn rất khó khăn, nhiều đoạn đường đất đá lổng chổng, đầy ổ voi ổ gà. Dòng suối Son những ngày này chẳng còn dữ dội nữa, nó đang dần bình yên trở lại cùng người dân nơi đây. Những móng nhà trơ trọi vẫn còn đó. Nhưng trước mắt chúng tôi, công cuộc kiến thiết lại Sa Ná sau trận lũ kinh hoàng đang diễn ra một cách khẩn trương, những ngôi nhà mới đang được xây dựng bên cạnh con suối và được bao phủ bởi những cánh rừng xanh mướt. Đó là một khu tái định cư cách Sa Ná cũ chưa đầy 1 km.

Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch xây dựng khu tái định cư cho 51 hộ bị ảnh hưởng và các hộ có nguy cơ trong bản Sa Ná (trong đó có 23 ngôi nhà bị trôi, sập hoàn toàn 12 nhà, ảnh hưởng 1 phần 8 nhà và di dời khẩn cấp vùng có nguy cơ cao là 8 nhà).

img

Một Sa Ná mới đang dần được hồi sinh. Ảnh: Hữu Dụng

Khu tái định cư này có diện tích 5,2ha là đất lâm nghiệp đang được trồng luồng, lát do các hộ tư nhân quản lý. Mẫu nhà tuân thủ theo Sở Xây dựng thiết kế, thông qua sự chấp thuận, thống nhất của dân, diện tích mỗi căn nhà khoảng 65- 85 m2. Vị trí này khá bằng phẳng, không ảnh hưởng bởi ta luy tâm và ta luy dương, chỉ phải xây dựng kè chống sạt lở cục bộ. Dự kiến bà con sẽ có nhà ở trước dịp Tết Nguyên đán.

Để người dân Sa Ná sớm có chỗ và ổn định cuộc sống, huyện Quan Sơn đã yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa người dân vào nơi ở mới. Việc thi công được thực hiện theo phương châm tạo được mặt bằng đến đâu, sẽ cho người dân tiến hành xây dựng nhà đến đó.

Để tạo điều kiện cho việc thi công, huyện Quan Sơn đã huy động hàng chục máy móc, thiết bị. Đơn vị thi công đang khẩn trương tiến hành kè đá mái ta luy; xây dựng trường học (gồm tiểu học và mầm non), nhà ở cho giáo viên; xây nhà văn hóa; hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình phụ trợ khác để sớm ổn định cuộc sống cho bà con nơi đây sớm nhất có thể.

img

Nhà văn hóa bản Sa Ná.

img

Trường mâm non và tiểu học Sa Ná đang được xây dựng. Ảnh: Hữu Dụng

Ở khu tái định cư này, chúng tôi bất ngờ gặp lại anh Hà Văn Vân - một người chịu đau thương nặng nề nhất khi trận lũ hồi tháng 8 đã cướp đi 6 người thân trong gia đình anh, hiện còn thi thể bố và con trai thứ hai của anh chưa tìm thấy.

“Sau trận lũ kinh hoàng đó, gia đình tôi đã mất cả. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mọi người dân quan tâm chia sẻ, động viên tôi cũng dần vượt qua đau thương. Giờ đây cuộc sống của tôi dần ổn định, tôi rất cảm ơn tất cả mọi người và các nhà từ thiện, hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi có nhà ở kiên cố, vững chắc hơn”, anh Vân nói.

Hôm nay, cả gia đình anh Ngân Văn Thiên phải dậy từ rất sớm, họ đến để đón xe chở cửa về lắp, chỉ ít ngày nữa thôi anh cùng gia đình sẽ về nhà mới ở. “Sau trận lũ, chúng tôi chẳng còn lại gì. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, của các nhà hảo tâm, bà con dân bản đã sớm vực lại được tinh thần. Chúng tôi biết ơn lắm, giờ có nhà mới rồi, bà con chúng tôi yên tâm làm ăn, sớm ổn định lại cuộc sống để nguôi ngoai đi cái ngày kinh hoàng đó”, anh Thiên tâm sự.

img

Người dân Sa Ná vận chuyển đồ đạc, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Ảnh: Hữu Dụng

Được biết, để giúp bà con dân bản Sa Ná sớm vượt qua đau thương mất mát, có nơi ở ổn định, 51 căn nhà sẽ được xây dựng kiên cố. Theo đó, mức hỗ trợ đối với những nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên là 300 triệu đồng/hộ; những nhà bị hư hỏng từ 50 – 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng/hộ; những nhà bị thiệt hại từ 30 – 50%, được hỗ trợ 100 triệu đồng; còn những nhà có nguy cơ sạt lở, hư hỏng dưới 30% thì được hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.

img

Các công trình kè mái ta luy cho khu tái định cư mới Sa Ná đang được gấp rút hoàn thành.

img

Người dân Sa Na sớm vực dậy tinh thần, tích cực tham gia cải tạo đất để phát triển sản xuất. Ảnh: H.D

Anh Ngân Văn Thêu, Phó Trưởng bản Sa Ná cho biết: “Bản Sa Ná được thành lập từ những năm 1930, nhưng trận lũ hồi tháng 8 là trận lũ kinh hoàng nhất từ trước tới nay, gây thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản đối với bản nghèo. Bản Sa Ná hiện có 79 hộ dân sinh sống, những hộ bị cuốn trôi nhà đều nằm dọc ven bờ suối với chiều dài khoảng 300m. Bà con rất xúc động trước sự quan tâm kịp thời của Đảng, nhà nước và toàn xã hội, giúp bà con có một khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống”.

img

Một Sa Ná cũ chỉ còn lại là cảnh đổ nát, hoang tàn. Ảnh: Hữu Dụng

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem