Một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc

19/09/2021 09:59 GMT+7
Thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc đang ngày càng bị tụt giảm một cách báo động...

Tiêu thụ tinh bột sắn nội địa thấp

Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại một số tỉnh Tây Nguyên có xu hướng tăng trở lại, do nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh gặp khó khăn, tiêu thụ tinh bột sắn nội địa vẫn thấp. 

Hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích sắn tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng nặng, nhiều diện tích mất trắng. 

Một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc đang ngày càng bị tụt giảm một cách báo động. Ảnh minh họa BCT

Tại Phú Yên, hầu hết các nhà máy tinh bột đã chạy lại với giá mua cao nhất 2.600 đồng/kg đối với sắn 30 độ bột. Tại Kon Tum, hiện có khoảng 90-95% nhà máy tinh bột sắn đang hoạt động. Tại Thừa Thiên Huế, năm 2021, diện tích sắn trồng toàn tỉnh khoảng 3.619ha/4.198ha đang giai đoạn phát triển củ. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn 1.091,15 ha (tại Phong Điền: 617,75 ha; Hương Trà: 421 ha; A Lưới: 52,4 ha), trong đó đã tiêu hủy 13 ha (Hương Trà: 8 ha; Phong Điền 5 ha). 

Diện tích sắn nhiễm bệnh chưa được tiêu hủy có nguy cơ là nguồn ban đầu cho bệnh lây lan trong niên vụ 2022 nếu không được xử lý và quản lý tốt nguồn giống trồng. Như vậy, có thể thấy giá sắn nội địa tăng trở lại là do hạn chế về sản xuất như đã phân tích ở trên.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn của ta đạt gần 1,12 triệu tấn, trị giá 518,73 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Papua New Guinea, Philipines và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,06 triệu tấn, trị giá 492,34 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, tăng 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang các thị trường phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc và thị trường Đài Loan. 

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt gần 657,55 nghìn tấn, trị giá 169,05 triệu USD, tăng 57,2% về lượng và tăng 77,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sắn lát khô cũng được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Malayssia. Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 90,7% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 596,55 nghìn tấn, trị giá 148,76 triệu USD, tăng 66,1% về lượng và tăng 87,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô sang các thị trường đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2020.

Một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Xuất khẩu lại bị cạnh tranh gay gắt

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Tanzania là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 với 116,36 triệu USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 15,1% của 7 tháng đầu năm 2020. 

Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 87,4% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 78,9% của 7 tháng đầu năm 2020. 

Thái Lan cũng là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2. Tuy nhiên, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,9%, giảm mạnh so với mức 40,3% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 74,2%, tăng mạnh so với mức 56,5% của cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, 7 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Indonesia với 155,2 nghìn tấn, trị giá 69,36 triệu USD, thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 8% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc. 

Qua số liệu cho thấy, trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan, mặc dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. Điều này cho thấy, tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh tới việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc. 



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục