Một số hãng hàng không quốc tế đang tránh không phận Ukraine khi Mỹ cảnh báo chiến tranh sắp xảy ra

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 17/02/2022 08:53 AM (GMT+7)
Cảnh báo về chiến tranh ở Ukraine đã khiến các hãng hàng không phải hủy các chuyến bay đến nước này, hoặc tránh không phận của nước này.
Bình luận 0

Theo đó, một số hãng hàng không quốc tế đã chủ động hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến Ukraine trong bối cảnh gia tăng lo ngại rằng, một cuộc xâm lược của Nga sắp xảy ra bất chấp các cuộc đàm phán vào cuối tuần qua giữa Điện Kremlin và phương Tây.

Trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, cuộc xâm lược Ukraine sẽ gây ra "sự đau khổ cho con người trên diện rộng" và phương Tây cam kết ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng này, nhưng cũng phải chuẩn bị cho các kịch bản khác có thể xảy ra.

Cảnh báo về chiến tranh ở Ukraine đã khiến các hãng hàng không phải hủy các chuyến bay đến nước này hoặc tránh không phận của nước này. Ảnh: @AFP.

Cảnh báo về chiến tranh ở Ukraine đã khiến các hãng hàng không phải hủy các chuyến bay đến nước này hoặc tránh không phận của nước này. Ảnh: @AFP.

Hai tổng thống đã có cuộc điện đàm một ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan cảnh báo rằng, tình báo Mỹ cho thấy một cuộc xâm lược của Nga có thể bắt đầu trong vài ngày tới. Nga phủ nhận ý định xâm lược nhưng đã điều động hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine và đã gửi quân đến tập trận ở nước láng giềng Belarus. Các quan chức Mỹ cho biết, việc Nga tích lũy hỏa lực đã đến mức có thể phát động một cuộc xâm lược khởi động trong một thời gian ngắn.

Trước thông tin này, hãng hàng không Hà Lan KLM đã hủy các chuyến bay đến Ukraine cho đến khi có thông báo mới. Động thái này đang gây chú ý bởi sự nhạy cảm của Hà Lan khi họ đã chứng kiến nguy cơ tiềm ẩn trong không phận Ukraine sau vụ bắn rơi một máy bay của Malaysia năm 2014 trên khu vực miền đông Ukraine do phiến quân do Nga hậu thuẫn nắm giữ. Tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 198 công dân Hà Lan.

Cũng vào ngày 14/2 Qatar Airways đã hủy chuyến bay sáng từ Doha đến thủ đô Kyiv của Ukraine theo FlightRader24. Trong khi đó, Reuters đưa tin cùng ngày rằng, các máy bay của British Airways đã tránh không phận Ukraine trên các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á.

Không chỉ dừng tại đó, hãng hàng không SkyUp của Ukraine cho biết các chuyến bay của họ từ Madeira, Bồ Đào Nha đến Kyiv đã được chuyển hướng tới thủ đô Chisinau của Moldova sau khi công ty cho thuê máy bay hủy bỏ giấy phép nhập cảnh Ukraine vào phút cuối. Giám đốc điều hành Dmytro Seroukhov của hãng cho biết, hãng hàng không SkyUp đang "làm việc cùng với các cơ quan chức năng của nhà nước để tìm ra giải pháp".

Cùng ngày, một người phát ngôn của hãng hàng không Lufthansa (Đức) cho biết, hãng này đang cân nhắc việc ngừng hoạt động hàng không ở Ukraine, song hiện vẫn chưa đưa ra quyết định: ""Lufthansa đang theo dõi tình hình ở Ukraine rất sát sao".

Một động thái đáng quan tâm đó là cũng ngay trong thời điểm nóng bỏng này, hãng thông tấn Interfax Ukraine cho biết, các công ty bảo hiểm Ukraine đã nhận được thông báo từ các nhà đầu tư nguồn vốn bảo hiểm rằng, các hãng hàng không sẽ không được bảo hiểm đền bù nếu bị tổn thất từ rủi ro do chiến tranh.

Trong khi đó, giới quốc tế lo ngại về một cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga hiện có nguy cơ đóng cửa các tuyến vận tải ra khỏi Ukraine. Avianews cảnh báo Ukraine có thể sớm trở thành 'vùng cấm bay' đối với máy bay thương mại. Một số chuyên gia khác nhận định, ngay cả khi bản thân Ukraine không đóng cửa không phận của mình, hành động căng thẳng giữa các bên sẽ làm giảm đáng kể số lượng các chuyến bay vào và ra khỏi không phận Ukraine.

Hãng hàng không SkyUp của Ukraine cho biết chuyến bay của hãng từ Madeira, Bồ Đào Nha, đến Kyiv đã được chuyển hướng đến thủ đô Chisinau của Moldova. Ảnh: @AFP.

Hãng hàng không SkyUp của Ukraine cho biết chuyến bay của hãng từ Madeira, Bồ Đào Nha, đến Kyiv đã được chuyển hướng đến thủ đô Chisinau của Moldova. Ảnh: @AFP.

Có thể thấy, cuộc điện đàm giữa Putin và Biden, sau cuộc điện đàm giữa Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh. Các quan chức Mỹ tin rằng, họ chỉ có vài ngày để ngăn chặn một cuộc xâm lược và đổ máu khổng lồ ở Ukraine.

Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO của họ không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine để chống lại Nga, nhưng không loại trừ khả năng sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt có thể vang xa hơn làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, thị trường toàn cầu và cán cân quyền lực ở châu Âu.

"Tổng thống Biden đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng, trong khi Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng tham gia ngoại giao, phối hợp đầy đủ với các Đồng minh và đối tác của chúng tôi, thì chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khác", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Putin nói rằng, Tổng thống Mỹ Biden đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với Nga, nhưng "vấn đề này không phải là trọng tâm trong cuộc trò chuyện khá dài với nhà lãnh đạo Nga".

Trong một dấu hiệu khác cho thấy, các quan chức Mỹ đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, Mỹ đã công bố kế hoạch sơ tán hầu hết nhân viên khỏi đại sứ quán ở thủ đô Ukraine và kêu gọi tất cả công dân Mỹ ở Ukraine rời khỏi đất nước ngay lập tức. Anh đã cùng các quốc gia châu Âu khác yêu cầu công dân của mình rời khỏi Ukraine.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly cho biết, Canada đã đóng cửa đại sứ quán của mình ở Kyiv và chuyển các nhân viên ngoại giao của họ đến một văn phòng tạm thời ở Lviv, nằm ở phía tây của đất nước. Lviv là nơi có căn cứ quân sự Ukraine từng là trung tâm chính cho sứ mệnh huấn luyện 200 binh sĩ của Canada tại đất nước thuộc Liên Xô cũ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem