Một xã ở Sơn La giảm gần 50% hộ nghèo, các dự phát triển, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Một xã ở Sơn La có 50% hộ nghèo đã thoát nghèo, các dự phát triển, cơ sở hạ tầng nông thôn mới tốt hơn
Kiều Tâm
Thứ tư, ngày 12/03/2025 05:35 AM (GMT+7)
Xã Chiềng Tương, một xã biên giới ở huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giảm nghèo bền vững, nhưng các dự án phát triển, hỗ trợ giảm nghèo đang giúp bức tranh nông thôn mới ngày càng tốt đẹp hơn.
Clip: Gần 50% hộ nghèo thoát nghèo, diện mạo xã Chiềng Tương ngày càng khởi sắc. Clip: Kiều Tâm.
Quyết tâm “xóa tên” xã nghèo
Là vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La - tiếp giáp với nước bạn Lào, xã Chiềng Tương (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Với đặc thù 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông, địa hình nhiều đồi núi, ít đất bằng, giao thông cách trở, trình độ dân trí không đồng đều… Chiềng Tương đã nhiều năm nằm trong danh sách xã vùng III - đặc biệt khó khăn của huyện, tỉnh.
Hơn nửa đời gắn bó với mảnh đất này, ông Giàng Lao Khay, người có uy tín của bản Pa Kha 2 (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) kể lại: Những năm trước, từ huyện đến xã chỉ có con đường đất cheo leo men theo sườn đồi, vách núi. Mặt đường thì đá hộc, rãnh sâu, giao thông cực khổ. Về thu nhập thì sau mùa thu hoạch ngô, sắn, bà con không biết trồng gì thêm nên đói nghèo đeo đuổi mãi.
Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại xã Chiềng Tương đến từ cây ngô, cây sắn, cây dong riềng; sản lượng cuối vụ chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Kiều Tâm.
“Nhà 5, 6 miệng ăn trông chờ cả vào cây ngô, cây sắn, cây dong riềng. Bà con chỉ trồng theo kinh nghiệm cha ông, sản lượng cuối vụ chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp. Cái nghèo cứ quẩn quanh cũng vì thế. Có người cả đời không xây được một ngôi nhà vững chãi. Có nhà không đủ tiền để nuôi con cái ăn học”, ông Khay bồi hồi.
Làm sao để bà con thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cũng trở thành nỗi trăn trở của cán bộ xã Chiềng Tương. Quyết tâm nâng cao đời sống cho người dân, trong những năm qua, xã Chiềng Tương đã triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Điển hình như dự án nâng cấp đường từ trung tâm xã Chiềng Tương đến bản Đin Chí, Pom Khốc; xây dựng công trình nước sinh hoạt tại bản Đin Chí và Pa Kha 1; hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và 71 tấn phân bón cho 38 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án chuỗi nâng cao chất lượng, giá trị quả mận hậu Chiềng Tương…
Trong những năm qua, xã Chiềng Tương đã triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Ảnh: Kiều Tâm.
Trong đó, dự án xây dựng chuỗi giá trị quả mận hậu Chiềng Tương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự án đang được triển khai tại 4 bản: Pa Kha 1, Pa Kha 2, Pa Kha 3 và Pa Khôm với quy mô 50ha với 111 hộ tham gia. Tại dự án, các hộ dân được chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc mận; được hỗ trợ vật tư, vật giống, kiểm tra sức khỏe cây trồng…
Từ dự án mận hậu, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Chiềng Tương đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tiêu biểu như hộ gia đình của anh Lìa Lao Sứ, người dân bản Pa Kha 2, xã Chiềng Tương. Được biết, trong năm 2024, gia đình anh Lìa Lao Sứ là một trong ba hộ dân của bản Pa Kha 2 chủ động viết đơn xin thoát nghèo.
Anh Sứ chia sẻ: “Chúng tôi còn trẻ, còn sức khỏe nên có thể tự lực vươn lên. Trước đây không biết làm gì ngoài trồng ngô, sắn, dong riềng nên phải chịu. Nay tôi được Nhà nước hỗ trợ cây mận giống, phân bón, vật tư lại được học thêm về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây nên càng phải khá lên chứ”.
Diện mạo nông thôn xã Chiềng Tương khởi sắc qua những chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Kiều Tâm.
Sau khi chuyển đổi trồng thêm mận, hiện gia đình anh Sứ đã có 1ha mận hậu, hơn 1ha ngô, nuôi hơn 10 con lợn giống địa phương, 100 con gà. Vườn mận hậu nhà anh Sứ sinh trưởng khỏe mạnh, cho thu hoạch hơn 10 tấn quả mỗi năm. Có nguồn thu đa dạng, năm 2024, trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Gần 50% hộ nghèo đã thoát nghèo, diện mạo nông thôn mới xã Chiềng Tương tốt hơn
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Lê Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: “Năm 2024, thực hiện kết luận của Huyện ủy Yên Châu về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã Chiềng Tương đã thành lập Ban chỉ đạo, triển khai công tác rà soát hộ nghèo.
Sau khi triển khai trên cơ sở đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước kết quả rà soát năm 2024 cho thấy xã Chiềng Tương có 209/426 hộ nghèo đủ điều kiện thoát khỏi diện hộ nghèo. Trong đó có nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo”.
Xã Chiềng Tương tích cực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cho người dân. Ảnh: Kiều Tâm.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo xã Chiềng Tương đến cuối năm 2024 là 20,9%, giảm 20,6% so với năm 2023. Hộ cận nghèo 240 hộ.
Không chỉ cải thiện tiêu chí thu nhập bình quân đầu người , xã Chiềng Tương còn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa - xã hội cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên địa bàn xã có 3 trường học từ bậc mầm non đến THCS, với 60 nhóm, lớp, 1.390 học sinh. Các trường học tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%... Trẻ em được vận động đi học đầy đủ. Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh các cấp ở mức cao, từ 98% trở lên.
Trên địa bàn xã Chiềng Tương, trẻ em trong độ tuổi được vận động đi học đầy đủ, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh các cấp ở mức cao. Ảnh: Kiều Tâm.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách được quan tâm. Đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động bà con tham gia tố giác, phát giác tội phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc giới thuộc địa phận xã. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn đảm bảo, người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Đặc biệt, hệ thống điện lưới quốc gia và mạng Internet đã phủ sóng tới các bản trong xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp thu nhiều kiến thức văn minh. “Ở đây, hầu như nhà nào cũng có vài ba cái điện thoại thông minh. Chúng tôi học được rất nhiều thông tin bổ ích trên mạng và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, chăm sóc con cái, dạy con học hành…” - Chị Giàng Thị Ly, nông dân bản Đin Chí, xã Chiềng Tương chia sẻ.
Hệ thống điện lưới quốc gia và mạng Internet đã phủ sóng tới các bản trong xã, tạo điều kiện cho người dân cập nhật thông tin hàng ngày. Ảnh: Kiều Tâm.
Từ một xã nghèo vùng biên giới, diện mạo xã Chiềng Tương đang ngày càng khởi sắc. Về xây dựng nông thôn mới, hiện nay, xã Chiềng Tương đạt 9/19 tiêu chí, 27/57 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 100% đường giao thông trong xã được cứng hóa, gần 50% số đường trục bản, liên bản được bê tông hóa; 99,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 78,8% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.