Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bơm nước liên tục không lại với trời
Vào thời điểm này, thời tiết ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) vẫn đang có mưa to kéo dài, ông Hoàng Văn Thường, nông dân làm cánh đồng mẫu lớn ở đây vẫn đội mưa ra đồng vận hành máy bơm nước để cứu lúa khỏi ngập úng.
"Mấy ngày nay, chúng tôi huy động mọi người lực, nhân công ra đồng bơm nước nhưng càng bơm mưa càng lớn. Hai máy bơm công suất lớn của tôi bơm 24/24 nhưng cũng không xuể, các ruộng lúa vẫn ngập sâu. Cứ đà này các ruộng sẽ mất trắng", ông Thường ngậm ngùi.
Theo ông Thường, so với các vụ mùa các năm trước, vụ năm nay thời tiết thất thường, mưa lớn nhiều hơn khiến các nông dân cấy lúa không kịp trở tay.
"Gia đình tôi đang cấy khoảng 20ha, trong đó có khoảng trên 50% ruộng đã ngập sâu trong nước, số ruộng lúa còn lại trên cao hơn nhưng nếu vẫn mưa kéo dài thêm vài ngày, toàn bộ diện tích lúa mùa mới cấy sẽ bị xóa sổ, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng trên 300 triệu đồng. Không chỉ ruộng lúa của gia đình bị thiệt hại nặng mà các khu ruộng của bà con trong vùng cũng đang rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nguy cơ mất mùa rất cao", ông Thường khẳng định.
Ông Thường cho biết thêm, với các diện tích lúa đang bị ngập úng sâu trong nước sẽ bị thiếu oxy, thối rữa rất nhanh. Số diện tích lúa không bị ngâm nước nhưng nếu trời mưa dài ngày cây trồng cũng nghẹt rễ nặng dẫn đến hư hỏng hoặc còn sống cũng thoi thóp, sinh trưởng rất kém.
Cũng theo ông Thường, theo dự báo thời tiết vẫn sẽ còn mưa thêm nên người dân Tiêu Động đang phải tỉnh phương án dự phòng, chuẩn bị giống, phân để làm lại. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn cứ mưa kéo dài nhiều ngày thì bà con sẽ bị chậm vụ, thiệt hại càng nặng hơn.
"Nếu bị thiệt hại ban đầu quá lớn, nhiều hộ sản xuất lớn với số lượng giống lên đến hàng tấn sẽ rất khó để chuẩn bị kịp nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chuyên môn", ông Thường nói thêm.
Lúa mùa mới cấy sắp bị xóa sổ
Cùng trong tình cảnh với các nông dân ở Hà Nam, nhiều nông dân ở Nam Định cũng đang khốn đốn vì thời tiết mưa lớn kéo dài. Ông Nguyễn Đức Thuận, nông dân ở Trực Ninh (Nam Định) cho hay: Sau mấy ngày mưa lớn, đến nay các ruộng lúa mới cấy của nông dân đều đã ngập trong nước, có ruộng ngập đến 30-40 phân nước, có nguy cơ hư hỏng nặng.
"Hiện các hộ trồng lúa đang phối hợp với các cán bộ chuyên môn của địa phương khẩn trương bơm nước, khơi thông kênh mương để thoát úng cho lúa mùa nhưng rất khó khăn. Mưa nhiều ngày nên nước tại các kênh không kịp thoát đều đầy tràn, nước trong ruộng gần như không có đường ra", ông Thuận bộc bạch.
Tại Ninh Bình, dù trời vẫn mưa to tầm tã nhưng ông Trịnh Viết Chiến ở Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vẫn cảm thấy như người đang ngồi trên đống lửa. Toàn bộ diện tích lúa lúa mới sạ của gia đình khoảng trên 150 mẫu vẫn chìm sâu trong nước, nguy cơ mất trắng đang hiện hữu trước mắt.
"Các ruộng lúa của gia đình đều đang ngâm trong nước, chúng tôi đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không lại với trời. Ngày nào cũng mưa tầm tã liên tục, các máy bơm của địa phương chạy hết công suất nhưng cũng như "muối bỏ biển", không có tác dụng. Chúng tôi xác định mất trắng thôi", ông Chiến buồn rầu chia sẻ.
Theo ông Chiến, năm nay giá giống, phân, thuốc đều đang ở mức cao nên khi đã đầu tư vào vụ mới người dân phải bỏ ra nhiều chi phí hơn. Nếu, vụ lúa mùa này hư hỏng nặng, người dân sẽ bị thiệt hại nặng, nhiều hộ không còn sức, vốn để tái sản xuất trở lại.
"Riêng gia đình tôi đã xuống hàng tấn giống, phân bón, thuốc... Khi các ruộng bị xóa sổ sẽ thiệt hại rất lớn lên đến hàng trăm triệu đồng", ông Chiến khẳng định.
Trước nguy cơ lúa mùa mới cấy bị thiệt hại nặng, ông Chiến kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần sớm chủ động tìm phương án dự phòng về giống, phân, thuốc để hỗ trợ người dân kịp thời, tránh để nông dân tự bơi sẽ rất vất vả, khổ cực.
"Chúng tôi làm lúa nhiều năm nên vẫn có phương án dự phòng nhưng nhiều hộ dân phụ thuộc vào nguồn vật tư đầu vào tại các đại lý, cửa hàng ở địa phương. Theo đó, khi các đại lý không còn hàng thì người dân cũng không thể mua để tái sản xuất", lão nông ở Hoa Lư khẳng định.
Cũng theo ông Chiến, theo kinh nghiệm sản xuất của ông, từ nay đến cuối tháng 6 âm lịch, thời tiết thuận lợi, người dân ở miền Bắc vẫn có thể xuống giống sản xuất kịp cho vụ mùa. Tuy nhiên, bà con phải có sự đồng hành, hỗ trợ nhanh, kịp thời từ các cơ quan chuyên môn mới có thể sản xuất hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.