Mùa vú sữa quê tôi, chẳng hiểu sao lại thích ăn trái chín rụng

Thứ tư, ngày 05/09/2018 20:00 PM (GMT+7)
Cây vú sữa chẳng biết trồng khi nào mà ngay từ những ngày thơ ấu của tôi nó đã xanh um tàn lá. Chơi dưới gốc vú sữa những buổi sớm mai hay những trưa hè nóng bức là một trong những điều thú vị nhất của lũ trẻ chúng tôi...
Bình luận 0

Những bông hoa nho nhỏ, li ti hình cánh sao, màu trắng vàng nhạt và thoang thoảng hương thơm, cứ sau mỗi cơn gió nhẹ lùa qua là chúng lại rụng rải đầy lên mặt đất.

Khi đó, để không phí của trời, bọn trẻ nít chúng tôi vẫn thường hay lấy kim và chỉ, rồi ngồi tỉ mỉ luồn kim qua từng cái lỗ tròn tròn ở giữa bông, rồi kết chúng lại với nhau thành những vòng chuỗi hoa để đeo lên cổ tay, cổ chân, hay đeo lên cổ, lên đầu...

img

Không nhớ rõ ngày ấy vú sữa có cho trái theo mùa hay không, nhưng chỉ còn lại giữa ký ức là những mảng sân hoa vú sữa rụng đầy.

Lá cây vú sữa một mặt màu xanh bong bóng, một mặt vàng đồng, ngắt một chiếc lá tươi thì bao giờ cũng có một dòng nhựa màu trắng chảy ra ngay cuống lá.

Thời đó còn xài tiền giấy, thì thứ nhựa này có tác dụng như những lớp keo, có thể dùng để... dán tiền. Và thế là, thêm một trong những thú vui của tôi, là mỗi khi thấy người lớn có tờ tiền nào bị... rách, thì tôi lại nhanh nhảu chạy ngay ra ngoài sân, với tay hái ngay mấy cái lá vào và ngồi đó thật tẩn mẩn, thật cẩn thận, trét trét từng lớp mủ trắng vào hai bên mép tờ tiền bị rách rồi giữ chặt, cho đến khi nó dính lại với nhau và mình sẽ thử độ dính bằng cách cầm tờ tiền vung vẫy lên lên xuống xuống vài lần, nếu như nó vẫn không bị đứt rời trở lại là được.

img

Vú sữa chín tự rụng rơi xuống đất nên thường dập, vỡ, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất thích ăn...

Đến mùa cây ra trái, thì lại thêm thú vui... đi lượm vú sữa rụng. Cây vú sữa nhà tôi không phải là loại vú sữa dây, nên cây vú sữa mọc rất cao, gốc rất to, trái cũng to, và không sai chùm chùm như loại vú sữa dây thâm thấp. Hồi ấy, đang lui cui ngồi chơi dưới gốc cây, đứa nào mà... xui thì sẽ bị vú sữa... rụng cái bộp lên đầu.

Trái vú sữa từ trên cao rụng xuống, do đã chín nên thường là bị giập, nhưng mà chẳng hiểu sao tôi cứ thích ăn những trái rụng này hơn là những trái vẹn nguyên do người lớn leo lên hái xuống, có lẽ vì trái rụng là khi trái đã chín muồi, cho nên trái lúc nào cũng ngọt và ngon hơn những trái khác.

img

Nhắc đến vú sữa, tôi lại nhớ sau này, cứ mỗi khi thấy ai ăn vú sữa mà dùng dao chẻ đôi nó ra là tôi lại cười cười trong bụng và biết là... người đó không biết cách ăn.

Bởi vì ăn vú sữa đúng cách không phải dùng dao để chẻ, mà phải lấy tay xoa xoa bóp bóp, nắn nắn nhẹ nhàng cho đến khi cả trái mềm ra, mềm thật là mềm, khi đó ta mới rút cái cuống trái bỏ đi, thì sẽ thấy ngay một dòng sữa trắng đục thơm chảy ra, và ta chỉ việc đưa miệng vào và... mút nhẹ.

Ăn như vậy thì mới cảm nhận được cái vị ngọt lịm, cái mùi thơm thơm, cái hương thanh thanh mát lành của vú sữa chín cây. Ai ăn khéo thì sau khi xong cả trái, sẽ chỉ còn lại một lớp vỏ mỏng tang xẹp lép nằm trong lòng bàn tay, nhưng mà các ngón tay thì tất nhiên vẫn sạch.

Và chẳng biết có phải tại vì dư âm của tuổi thơ không, mà sau này những khi mua vú sữa về ăn, tôi vẫn không thể nào tìm lại được cái cảm giác ngon lành như những ngày xa xưa nữa.

Cảm giác của những ngày mỗi khi nghe tiếng rơi đánh “bộp” của vú sữa chín rụng ngoài sân, là tôi lại tung tăng mừng rỡ chạy ra, đưa mắt dáo dác tìm kiếm quanh gốc cây để rồi sẽ phát hiện ra trái vú sữa căng mọng chín muồi vừa mới rơi và nứt nhẹ, rồi sẽ khẽ khàng nâng niu nhặt nó lên, đi tới gốc cây,

lựa chỗ nào mát nhất và sạch nhất, rồi sẽ ngồi xuống và lấy tay phủi phủi, lấy miệng thổi thổi cho bay hết đi lớp cát dính bên ngoài, rồi sẽ bóp bóp nó, xoay xoay nó trong bàn tay mình cho đến khi thấy từ trong trái chảy ra một dòng sữa trắng...

Nguyễn Trâm (KHPT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem