Xoài Cao Lãnh ra tới Hà Nội được phân phối từ văn phòng đại diện tại quận Long Biên và trạm giao hàng ở quận Hai Bà Trưng. Người từ miền Tây ra Hà Nội bán xoài bắt đầu phải tính toán lại khi cước phí vận tải trên 9.000đ/kg do các chủ xe hàng ngán bị phạt vì chở quá tải. Xoài ứ đọng khiến giá xoài cát chu chỉ còn 12.000 – 15.000đ/kg, thậm chí thấp hơn nữa!
Khoảng 8.319ha xoài ở Đồng Tháp đang mùa trái chín, sản lượng 59.730 tấn. Dù biến đổi khí hậu, mưa nhiều, sương muối, thời tiết thay đổi thất thường làm xoài ra hoa đậu trái thấp, nhiều bệnh trên cây trái… năng suất giảm 3 tấn/ha nhưng những vựa xoài vẫn ngồn ngộn công việc phân loại, đóng thùng, giao hàng.
Xoài Cao Lãnh chờ chuyến đi.
Nhận diện những thay đổiMùa này xoài Campuchia cũng chở về đây và tất cả đều phải tính lại cách đưa hàng đi xa hơn.
TS Võ Thị Thanh Lộc, viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện khảo sát chuỗi giá trị xoài, cho biết năm 2013, doanh thu từ xoài ở Đồng Tháp trên 5.192 tỉ đồng, mức lãi hơn 1.900 tỉ đồng. Sản lượng cát chu tiêu thụ nội địa 13.589 tấn (24,9%), xuất khẩu cát chu 22.843 tấn (41,8%). Thị trường thích xoài bao trái và người trồng sẵn sàng bỏ ra 1.000 – 1.500đ/kg mua bao để có thể bán từ vườn với giá cao hơn xoài không bao trái 3.000đ/kg. Người bán lẻ bán với giá cao hơn 5.000 – 10.000đ/kg. Xoài bao trái và ứng dụng phương pháp kéo chậm lại thời gian chín sẽ giúp cho việc vận chuyển, mua bán tốt hơn.
Không thể sống mãi với tiểu ngạchHầu hết thương lái, công ty mua xoài của Đồng Tháp và Tiền Giang, chia 30% sản lượng xoài tiêu thụ nội địa, 70% xuất khẩu, chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngược với xoài cát Hoà Lộc, tiêu thụ nội địa, giá cao gấp 3 – 4 lần cát chu. “Nhưng không vì vậy mà quy hoạch phát triển xoài cát Hoà Lộc”, TS Lộc nhấn mạnh xoài cát chu có những ưu thế khi chế biến thành xoài sấy dẻo hoặc nước xoài.
“Hiện nay, Trung Quốc mua cả xoài chín, xoài sống, trúng tâm lý nhà vườn sợ giá tụt xuống nữa nên hái cả những trái chưa chín độn vào lô hàng bán tại vựa”, giám đốc một công ty từng đưa ra lời khuyên và cam kết sẵn sàng mua xoài với giá thị trường để bà con đừng hái trái non nữa. Nhiều chủ vườn không tin, vẫn bán tháo xoài để tránh nạn xuống giá.
Các công ty chưa đầu tư vùng nguyên liệu, vựa có tỷ lệ hao hụt và rủi ro cao, vựa và công ty chưa có liên kết trách nhiệm với nông dân, nông dân chưa chung thuỷ với hợp đồng nên nhà vườn vẫn tìm đầu ra và công ty vẫn thiếu nguyên liệu chế biến… Theo bà Lộc, phải nhanh chóng giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, xây dựng mô hình trồng rải vụ, tăng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; mở thị trường vào EU, Nhật và tăng hợp đồng để vào nhà hàng khách sạn, tăng sản phẩm giá trị gia tăng từ chế biến.
Suy nghĩ chưa trùng khớp“Các công ty sẽ không đặt hàng nhỏ lẻ, hợp đồng ngắn hạn trong khi nông dân muốn bán theo thời vụ chứ không thích ký hợp đồng cả năm”, TS Lộc nói.
Hiện nay, tại Đồng Tháp có chín vựa lớn, bảy công ty lui tới mua hàng. Không thấy thương nhân nước ngoài nào. Nhà vườn hễ ai được giá thì bán, doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng khó ổn định nguyên liệu nên không dám đầu tư công nghệ cao hơn (sấy thăng hoa, sấy chân không…) và chỉ làm theo đơn đặt hàng.
Ông Lê Thanh Liêm, giám đốc công ty COFIDEC, mua 1.000 tấn xoài Cao Lãnh đạt chuẩn xuất sang Nhật, cho biết do đặc điểm mùa vụ, năm nào công ty cũng phải mua với ba loại giá theo từng mùa (nắng mưa ảnh hưởng độ ngọt) phải điều chuyển sản phẩm và thị trường châu Á hoặc EU.
“Xoài Cao Lãnh, mua mười trái thì đều nhau, nhưng một cần xé có trái lớn trái nhỏ, mua một xe thì có trái lớn trái nhỏ, trái chín, trái sống. Không có cách bảo quản, không thể dùng khí đá để ủ kiểu cổ điển, quy trình thu mua không thể cấn giập, trầy xước, và phải chiếu xạ, xử lý nhiệt nhưng không xử lý nông dược được khi muốn xuất khẩu qua Nhật”, ông Liêm nói. Theo ông chế biến theo hướng đông lạnh, sấy thăng hoa, sấy chân không là cách để vùng trồng xoài cát chu thoát khỏi những rắc rối.
Ông Nam, giám đốc một công ty chế biến cấp đông trái cây, bánh dân gian ở Tiền Giang, cho biết tỷ lệ hàng công ty mua ở Đồng Tháp khá cao. Nhưng nhiều lúc nhìn nhà vườn mà chảy nước mắt chỉ vì Trung Quốc mua dồn dập, non già cũng mua, còn nông dân không biết nên tin vào ai.
Trong khi đó, hợp tác xã Mỹ Xương nói lần đầu tiên đã xuất khẩu 200kg cát chu sang Hàn Quốc, tuần tới xuất tiếp 5 tấn nữa. Nhiều công ty Hàn Quốc nói xoài
bao trái, có bao nhiêu họ mua hết. Hợp tác xã muốn mua xoài có phân loại, nhưng nhiều nhà vườn nhất định chỉ bán mão...
Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị) (Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.