Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS. Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Đây không phải lần đầu Tổng cục Thống kê đưa ra giải pháp khai thác dầu thô để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trước đây, cứ thấy tăng trưởng kinh tế gặp khó là lại nghĩ tới phải “múc” tài nguyên lên bán. Trong khi tài nguyên là hữu hạn mà cứ “múc” để bán có tiền là một bài toán không hợp lý”, ông Long nói.
Theo ông Long trong bối cảnh hiện nay khi giá dầu đang ở ngưỡng 50 USD/thùng tuy là đã có tăng so với những tháng đầu năm nhưng thực tế cũng chưa phải ở mức kỳ vọng của ngành dầu khí. Nếu vẫn bắt buộc phải khai thác thêm 2 triệu tấn dầu cũng phải xác định rõ giá hòa vốn là bao nhiêu, tùy từng mỏ cụ thể chi phí khai thác như thế nào để có cân đối khi quyết định khai thác thêm 2 triệu tấn.
Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh, “Đó chỉ là giải pháp mang tính chất chắp vá để “chữa cháy” cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế chứ không đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững của cả nền kinh tế”, ông Hải nói. Ông Hải phân tích, để phát triển bền vững thì phải cân đối được khoản thu chi ngân sách sao cho hợp lý.
Theo ông Hải, về các khoản thu hiện tại, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa, nếu đẩy nhanh vấn đề này Nhà nước có thể bán cổ phần và thu về một khoản tiền cho ngân sách. Mặt khác, Nhà nước cũng còn hàng loạt các khu “đất vàng” nếu đấu giá thành công có thể thu về được khoảng 50 tỷ USD. Chỉ riêng Sabeco và Habeco, VAFI ước tính cả các khu đất đai đang sở hữu nếu cổ phần hóa, đấu giá hết cũng thu về được khoảng 5 tỷ USD. Khi đó, tài chính của Việt Nam sẽ “đẹp” hơn, dòng tiền nhiều sẽ giảm được nợ công và hạ lãi suất cho vay có thể từ mức 10% như hiện nay xuống còn 5%, từ đó thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp phát triển.
“Múc” dầu thô lên bán chỉ là giải pháp chữa cháy
Ông Hải cũng cho rằng, về khoản chi, cần phải cắt giảm các khoản chi ngân sách đang còn lãng phí và không hiệu quả, cắt giảm tối đa những chi tiêu không cần thiết của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo nguồn thu đủ chi, không phải đi vay nợ. “Có thể mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6,7% nhưng chỉ đạt được 5% thôi cũng không ảnh hưởng gì, miễn là chiến lược phát triển đúng hướng, đảm bảo phát triển bền vững cho những giai đoạn tiếp theo bức phá nhanh hơn”, ông Hải nói.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học Viện tài chính) lại cho rằng, nguồn thu và khoản thu của ngân sách là vấn đề rất lớn ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Do đó, phải xem xét cân đối nguồn thu từ nhiều khoản khác nhau trước khi đưa ra những quyết định tăng nguồn thu từ khai thác dầu thô.
Cũng theo ông Thịnh, hiện nay nguồn thu từ các khoản thuế quốc tế giảm đáng kể do quá trình Hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng nên nhiều mặt hàng đã phải cắt giảm thuế theo lộ trình, tiến tới nhiều loại hàng hóa có thuế bằng 0%. Trong khi đó, nguồn thu thuế nội địa dù đã có kế hoạch tăng nhưng mức tăng cũng chưa được như mong muốn.
Ông Thịnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giá dầu thô tuy chưa đạt tới kỳ vọng 80 – 100 USD/thùng nhưng rõ ràng là đã tăng so với thời điểm đầu năm 2016 (lúc thấp nhất xuống dưới 30 USD/thùng) nên việc tính tới khai thác dầu cũng là một phương án cần nghiên cứu để tăng thu nhân sách. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải tính tới giải pháp này, ông Thịnh cho rằng cần có tính toán cho hợp lý và chi tiết việc tăng khai thác dầu thô ở từng vị trí, từng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.