Mức án nào dành cho ông Đinh La Thăng?

Lương Kết-Đàm Duy Thứ hai, ngày 22/01/2018 06:43 AM (GMT+7)
Sáng nay (22.1), TAND TP. Hà Nội tuyên bản án vụ ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đồng phạm.
Bình luận 0

img

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân tại phiên toà sáng nay.

Clip tại phiên toà sáng nay.

Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng; bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC bị đề nghị tù  chung thân về tội Tham ô tài sản, 13-14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 22 bị cáo, có 2 trường hợp được đề nghị mức án nhẹ nhất là 2- 3 năm tù cho hưởng án treo; có 4 trường hợp được đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.

img

Trịnh Xuân Thanh bị kiểm sát viên đề nghị tổng hợp hình phạt là chung thân. Trong ảnh: Dẫn giải bị cáo Trịnh Xuân Thanh sáng nay. Ảnh: Đàm Duy

Về phần ông Đinh La Thăng, trong phần tranh luận đối đáp lại ý kiến của các luật sư bào chữa, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại Tòa khẳng định: Căn cứ vào các tài liệu hồ sơ thấy việc cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng là đúng.

Ở lượt đối đáp lần hai, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, người đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Biết sai nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái.

Đại diện Viện Kiểm sát “bẻ” lại lập luận của các bị cáo khi họ nói do sức ép tiến độ. “Tính từ ngày tạm ứng tiền đến ngày PVC thực hiện các hạng mục của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là bao nhiêu thời gian? Thực chất việc ký các hợp đồng này để nhằm hợp thức chuyển tiền cho PVC” đại diện Viện Kiểm sát nói. (Lãnh đạo PVN ký hợp đồng để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 không đúng quy định, sau đó chuyển tiền cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích hơn 1.115 tỷ đồng. Việc sử dụng tiền sai mục đích đó gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng - PV).

img

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Từ những phân tích, lập luận, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị giữ nguyên mức án như đã đề nghị trước đó với ông Đinh La Thăng. Cũng trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm đã đề nghị giảm hình phạt so với mức đề nghị trước đó cho một số bị cáo.

Trong lời nói sau cùng, ông Đinh La Thăng kể lể về hoàn cảnh của bản thân, gia đình, nói những mong muốn và nói nhiều lời “xin lỗi” và “cảm ơn”. Ông mong HĐXX đánh giá đúng hành vi, bản chất của sự việc.

"Sau vụ án này, sắp tới, bị cáo phải đối mặt với một vụ án khác cũng xảy ra tại PVN. Bị cáo nói lời sau cùng hôm nay, ở phiên tòa sắp tới và không biết có còn lời nói sau cùng nào nữa không, vì có rất nhiều dự án, nhiều công trình. Bị cáo mong HĐXX xem xét đến tình cảnh cụ thể của bị cáo để bị cáo có đủ thời gian chấp hành các án phạt, để trước khi nhắm mắt xuôi tay cũng được công nhận là người đã hoàn thành  nhiệm vụ. Suốt 35 năm công tác, bị cáo tự nhận thấy chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình", bị cáo Thăng nói. 

Cuối cùng ông xin được thay đổi biện pháp ngăn chặn (tại ngoại) để được chăm sóc bố và ăn cái Tết cuối với gia đình trước khi đi thụ án.

Vậy hãy cũng chờ xem Tòa sẽ tuyên mức án nào đối với ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế" gây hậu quả nghiêm trọng?.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Toà án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.

Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem