dd/mm/yyyy

Muốn hạ nhiệt giá cả, tốt nhất là giảm thuế, phí

Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, để hạ nhiệt giá cả, tốt nhất là giảm thuế, phí cho các nguyên vật liệu đầu vào. Với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá thì cần có cơ quan chuyên ngành rà soát, kiểm tra để không có tình trạng "tát nước theo mưa" khi giá đầu vào đã giảm.

Xăng dầu không phải "thủ phạm" duy nhất

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá nhiều mặt hàng thịt, cá đều tăng 20 - 50% so với những tháng trước. Cụ thể, thịt bò 250.000 - 260.000 đồng/kg (tùy loại), thịt gà làm sẵn 160.000 đồng/kg, thịt lợn 100.000 - 120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg. Về thủy sản, tôm 300.000 - 450.000 đồng/kg, cá trắm đen 75.000 - 120.000 đồng/kg... Rau củ cũng tăng giá mạnh: hành lá 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với 2 - 3 tháng trước; bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 23.000 đồng/kg; khoai tây từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg...

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 7, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh  nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ. Một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm..

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá thực phẩm tăng không phải chỉ vì chi phí xăng dầu mà còn do giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng tăng... Tùy vào ngành nghề, chi phí xăng dầu chiếm 3,5 - 3,6% trong tổng chi phí sản xuất. Giá xăng giảm liên tiếp chỉ giúp giảm sức ép lên doanh nghiệp chứ chưa thể giúp doanh nghiệp hạ nhiệt giá hàng hóa.   

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, nguyên liệu đầu vào vẫn đang khan hiếm. Các nước có vùng nguyên liệu hạn chế xuất khẩu vì lo ngại xung đột Nga - Ukraine kéo dài và nhiều nơi bị mất mùa. Ở trong nước, khâu kiểm tra, giám sát, bình ổn giá chưa làm nghiêm.

Muốn hạ nhiệt giá cả, tốt nhất là giảm thuế, phí - Ảnh 1.

Hiện giá hàng hóa, dịch vụ đang ở mức cao làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng

Mạnh tay xử lý nếu cố tình đẩy giá

Trước tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, Thủ tướng yêu cầu tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic. Từ đó, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cần có các giải pháp hỗ trợ linh hoạt để giảm giá thành đầu vào của sản phẩm. “Tốt nhất là hạ thuế, phí cho các nguyên vật liệu đầu vào, từ đó làm giảm giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ và về lâu dài sẽ kéo giá cả xuống. Với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá thì cần có cơ quan chuyên ngành tiến hành rà soát, kiểm tra để không có tình trạng tát nước theo mưa khi giá đầu vào đã giảm”, PGS. TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Để điều tiết giá cả thị trường về lại mức hợp lý, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cơ quan nhà nước phải tính toán được cấu thành giá sản phẩm một số mặt hàng chính, từ đó mới quản được giá bán của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”. 

Nếu các doanh nghiệp, các hộ gia đình cố tình làm giá, giữ giá cao thì phải mạnh tay thu hồi giấy phép, xử phạt. “Việc điều chỉnh giảm giá không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Cơ quan quản lý phải can thiệp ngay từ đầu, tăng cường kiểm soát giá cả, đặc biệt là những mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Nếu vào cuộc kiên quyết, bài bản, thời gian tới giá hàng hóa sẽ sớm giảm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.


Hạnh Nhung