Muôn màu chuyện học online thời dịch Covid-19

Thanh Thanh Thứ tư, ngày 08/09/2021 12:10 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy cô và học sinh phải làm quen với việc học trực tuyến. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với không ít khó khăn.
Bình luận 0

Thiết bị học online

Để có thể học trực tuyến thì yêu cầu đầu tiên là phải có thiết bị học như: máy tính bàn, laptop, máy tính bảng,... Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, phụ huynh có thể lựa chọn một thiết bị phù hợp với nhu cầu.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhiều người rơi vào cảnh mất việc, không có thu nhập, kinh tế gia đình khó khăn, việc mua được một thiết bị học tập cho con cái cũng không phải là điều dễ dàng.

Những khó khăn khi trẻ học online - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội học online. Ảnh Lan Hương

Trong khi đó, do nhu cầu thiết bị học online tăng cao đột biến nên giá cả của các loại thiết bị này cũng biến động không ngừng, nguồn hàng cũng khan hiếm. Bởi vậy, nhiều phụ huynh phải đau đầu tìm kiếm, hỏi hết group nọ, vào hết hội nhóm kia mới tìm được thiết bị phù hợp.

Mạng Internet khi học online

Mạng Internet là yêu cầu bắt buộc phải có đối với việc học online. Hầu hết các gia đình ở thành phố đều lắp đặt Internet, tuy nhiên, không phải gia đình nào ở nông thôn cũng có điều kiện để tiếp cận với mạng Internet. Việc con cái học online khiến gánh nặng kinh tế thêm đè nặng lên các bậc phụ huynh.

Bên cạnh đó, khi học online phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đường truyền Internet. Nếu nhưng mạng yếu có thể xảy ra hiện tượng giật, lag, đứng hình khiến trẻ không thể tập trung và nhanh chóng chán nản, dẫn đến việc học không hiệu quả.

Những khó khăn khi trẻ học online - Ảnh 2.

Học online phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đường truyền Internet. Ảnh: NVCC

Những ngày qua, một số địa phương bắt đầu năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, nhiều phụ huynh than phiền về việc kết nối rất khó khăn. Tín hiệu chập chờn, phụ huynh và học sinh thậm chí không thấy rõ hình ảnh và âm thanh từ giáo viên.

Mới đây, việc hệ thống cáp biển gặp sự cố đã ảnh hưởng lớn đến việc học trực tuyến. Tại Việt Nam, ứng dụng Zoom sử dụng máy chủ ở Singapore, đúng tuyến đường truyền bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp lần này. Để khắc phục tạm thời, người dùng hãy thử chuyển sang sử dụng dữ liệu gói của nhà mạng di động, khởi động lại modem và cố gắng để thiết bị học trực tuyến gần modem hơn.

Cài đặt phần mềm, xử lý sự cố khi học online

Một số phụ huynh dù đã mua được được thiết bị cho con nhưng lại gặp khó khăn trong việc cài đặt phần mềm học online. Thực tế là nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình.

Khi học online có thể xảy ra nhiều sự cố khiến cả phụ huynh và học sinh đều loay hoay không biết cách xử lý như: không thể vào được lớp học ảo, bất ngờ bị văng ra, không bật được mic, camera,… Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của học sinh và chất lượng của việc học trực tuyến.

Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh

Những khó khăn khi trẻ học online - Ảnh 3.

Học online làm giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Một trong những nhược điểm của học online chính là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh sẽ kém hơn hẳn so với các lớp học thông thường tại trường học. Khi học tập tại lớp, các chủ đề khác nhau sẽ được thảo luận và xem xét từ nhiều góc độ. Tất cả các học sinh đều có thể nêu quan điểm của mình, có thể lắng nghe và suy nghĩ dựa trên ý kiến của người khác. Môi trường lớp học có tác động tích cực đến tâm trí của một người và dẫn đến sự phát triển của tất cả các học sinh.

Đối với học online, thầy trò không thể trực tiếp đối thoại, các học sinh không thể thảo luận nhóm mà phải thông qua các thiết bị điện tử là một trở ngại không hề nhỏ.

Điều này đòi hỏi giáo viên xây dựng được một bài giảng online thu hút, tăng tính tương tác giữa thầy và trò. Học sinh cũng phải có tinh thần hăng hái tham gia phát biểu để có thể nâng cao chất lượng của việc học trực tuyến.

Sự tập trung của học sinh

Khi học online, do rất nhiều những yếu tố ngoại cảnh xung quanh, học sinh khó có thể tập trung 100% với bài giảng của giáo viên. Việc chỉ đối diện với chiếc màn hình khiến học sinh nhanh nhàm chán, dẫn đến việc không ít học sinh ngủ gật chỉ sau ít phút giảng dạy. Thậm chí, không ít học sinh sẽ chuyển sang lướt web, vào mạng xã hội, xem phim, chơi game,… trong giờ học.

Những khó khăn khi trẻ học online - Ảnh 4.

Học sinh khó tập trung khi học online. Ảnh: TP

Có thể thấy, hiệu quả học trực tuyến phụ thuộc rất lớn vào ý thức, ý chí học tập của người học. Phụ huynh cũng cần có những biện pháp giám sát thích hợp để con có thể tập trung một cách cao nhất.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, xu thế học online đang dần thay thế những phương pháp học tập truyền thống. Cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng đang phải dần làm quen với phương pháp học tập mới này. Để việc học online có được kết quả tốt nhất, tất cả phải khắc phục được những khó khăn và tận dụng tất cả những gì đang có để tổ chức dạy và học tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem