Muôn nẻo buôn lậu cận Tết: Tường trình từ "túi" đựng hàng lậu

Nhóm PV Thứ hai, ngày 05/02/2018 16:10 PM (GMT+7)
Tết Nguyên đán cận kề cũng là thời điểm các khu vực cửa khẩu phải đối mặt với tình trạng buôn lậu hàng hóa gia tăng đến mức nóng bỏng. Không chỉ các mặt hàng thông thường, nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng quốc cấm như pháo nổ, tiền giả, ma túy, thực phẩm bẩn... cũng được dịp tung hoành. Loạt bài ghi nhận của PV Dân Việt tại nhiều cửa khẩu khắp cả nước sẽ cho thấy thực trạng này...
Bình luận 0

img

Hàng được lăn từ trên đồi xuống tại khu vực bản Nà Han (cạnh chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). (Ảnh: P.V)

Từ “túi” đựng hàng lậu

Từ lâu, đương biên thuộc hai huyện Văn Lãng và Cao Lộc (Lạng Sơn) vẫn được xem như là “túi đựng hàng lậu” từ Trung Quốc chảy về. Tuyến biên giới từ cửa khẩu Tân Thanh đến thị trấn Đồng Đăng vẫn tồn tại nhiều đường mòn, lối mở cho cánh buôn lậu ngày đêm tung hoành.

16h chiều một ngày đông cuối năm, khu vực bản Nà Han (Tân Thanh) ầm ĩ tiếng người hò hét “tránh ra”, “hàng lao”, “nhanh lên”... Tuấn – người dẫn đường cho chúng tôi nói: “Đấy là tiếng của dân cửu vạn đang cõng hàng từ biên giới Trung Quốc về”. Tuấn dẫn chúng tôi lên chùa Tân Thanh để tận thấy cảnh buôn lậu đang diễn ra nhộn nhịp nhưng lặng lẽ.

Tại khu vực đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Tân Thanh, hướng xuống chợ Tân Thanh, phía tay trái là cảnh tượng dòng người lầm lũi gùi hàng. Những bao, thùng hàng lăn lông lốc từ trên đồi cao xuống rầm rầm, tiếng người hô hoán vang vọng. Chưa đầy 20 phút, chúng tôi đếm được hơn 100 thùng hàng được lăn xuống phía dưới.

img

Hàng lậu được cửu vạn bỏ lại trong rừng sau khi phát hiện người lạ theo dõi. (Ảnh: P.V)

Để tường tận, Tuấn đưa chúng tôi tiếp cận gần hơn khu vực này, băng qua những ruộng bậc thang. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm kiện hàng la liệt dưới chân đồi, đám cửu vạn đang mướt mải như đàn kiến vần hàng dồn đống để chuyển đi nơi khác. Chúng tôi thấy một vài kiện hàng giấu trong những lùm cây.

Sáng hôm sau, ngay sát cửa khẩu Cốc Nam, một đoàn người tay cầm những sợi dây chão đang leo, bám vào vách núi đá. Gần 2 giờ sau, vẫn vách núi đá này là dòng người đang cõng trên lưng những thùng hàng. Tay, chân dò dẫm từng mỏm đá để đi xuống.

Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam Trần Văn Nghĩa giải thích: Việc chống buôn lậu khó có thể xử lý tận gốc do cuộc sống của người dân biên giới còn rất khó khăn. Chưa kể lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn khi bắt được các đối tượng vác hàng lậu thuê như không thể truy gốc chủ hàng do các đối tượng này phần lớn chỉ giao dịch qua điện thoại với người vác hàng thuê (cửu vạn).

Sát cạnh đó là một đường mòn khác, cánh buôn lậu dựng thang, cõng, vác, ôm hàng leo qua bức tường cao hơn 1m. Có những người chỉ trong một tiếng đồng hồ lên xuống 7-8 lượt… vác được hàng xuống có xe máy chờ sẵn ở dưới chở hàng đi nơi khác.

Không chỉ người dân leo, vác hàng qua những vách núi này, tại đây còn 4-5 đường tương tự. Đáng nói, khu vực này nằm ngay bên hông “Nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam” có lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng, công an canh gác 24/24h.

Tại khu vực Thác Ném – (nằm trên đường từ Tân Thanh xuống Đồng Đăng), không kể ngày và đêm cửu vạn vác hàng đến lưng chừng quả đồi rồi vận chuyển bằng cách buộc thùng hàng vào dây chão, dựa vào vách đá thả hàng xuống phía dưới cho người đón.

Khi đêm xuống, tại một số đường mòn, người trước soi đèn cho người sau, từng thùng hàng được lăn từ trên triền đồi xuống chân. Khu vực “thác” nằm sát cửa khẩu Cốc Nam được coi là nóng bỏng nhất thời điểm hiện tại. Khi có động, cửu vạn được lệnh bất động hoặc rút chạy, hàng hóa giấu trong bụi cây.

Muối bỏ bể (?)

Những ngày sau đó, nhóm PV tiếp tục có mặt tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam. Tại đây, phần lớn phụ nữ giắt sau lưng một cuộn dây thừng cùng vài mét dây cao-su. “Đoàn quân” này thoắt ẩn thoắt hiện, lúc chui vào vườn nhãn, khi leo lên đồi, bám vào những mỏm đá và tiếp tục cõng hàng từ trên đó xuống…

img

“Phi đội xe bay” vận chuyển hàng lậu trong đêm. (Ảnh: P.V)

Tại Thác Ném, nhiều người cõng hàng phía trên đỉnh đồi. Trao đổi với PV, Thượng tá Nông Quang Tám – Đồn trưởng đồn biên phòng Tân Thanh xác nhận: Đó đúng là các đối tượng buôn lậu. Khu vực này thuộc thôn Nà Lầu, bản Nà Hang.

Khi được hỏi “Tại sao nắm được nhưng lại không thể xử lý?”, Thượng tá Tám trần tình: Đơn vị đã có nhiều biện pháp ngăn chặn như rào dây thép gai, dựng lán canh gác chốt chặn trên các đường mòn. Nhưng như muốn bỏ bể bởi người chuyển hàng lậu chủ yếu là bà con nông dân địa phương, sau khi gặt xong, có thời gian rảnh rỗi đi vác thuê cho các chủ hàng. Một số người tự đi vác về bán lại cho chủ ở chợ Tân Thanh. Việc xử lý do vậy cũng gặp nhiều khó khăn”.

Về tình trạng vận chuyển hàng lậu ngay cánh gà cửa khẩu Cốc Nam, Thượng tá Tám thừa nhận: Cũng có nhiều đối tượng liều lĩnh, trốn tránh lực lượng chức năng, chui lủi buôn lậu chứ không dám ngang nhiên buôn lậu vì lực lượng biên phòng và hải quan luôn có mặt ở đây.

Tuy nhiên, sau khi xem một số hình ảnh và clip PV cung cấp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng phân trần: “Thực tế đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn vì lượng quân số “như muối bỏ bể” mặc dù thời gian qua tỉnh cũng huy động, hỗ trợ…”.

Trung tá Phạm Vũ Huynh - Phó Đồn trưởng ĐBP Tân Thanh kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát BPCK Cốc Nam đánh giá: “Tình hình buôn lậu đã giảm hơn so với trước đây. Trong khu vực cửa khẩu, theo quy chế Bộ đội biên phòng và Hải quan phối hợp với nhau, cắt cử người luôn phiên tuần tra, theo dõi thường xuyên. Tại khu vực đường mòn lối mở, đặc biệt là khu vực Thác Ném cũng có lực lượng canh gác. Đơn vị vẫn cắt cử quân số 24/24h kiểm tra, nhưng sểnh ra là các đối tượng này thực hiện vác hàng lậu. Những người này chủ yếu là các cụ già, không có công ăn việc làm, họ vác hàng thuê cho các chủ hàng, mỗi chuyến khoảng 20-30kg”.

Kỳ 2: Chiêu trò nào “hô biến” hàng lậu thành hàng hợp pháp?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem