Muốn xong việc, phải “bôi trơn”

Thứ năm, ngày 15/03/2012 14:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo tìm hiểu của phóng viên, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã quá quen thuộc với lực lượng “cò” bán cá. Tuy nhiên, dù muốn hay không họ cũng phải tốn một số tiền khá lớn để bán được cá.
Bình luận 0

Ông Trần Văn Hùng - nuôi cá tra gần 15 năm ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, An Giang), cho biết: “Trong suốt những năm tháng nuôi cá thì không lần nào mà tôi không phải tốn chi phí cho “cò”. Nếu ít thì cũng 4 triệu đồng, còn nhiều thì đến 10 triệu đồng/ao. Đây là luật bất thành văn. Nếu “cò” đã dẫn mối bán cá thì chủ ao phải trích ra từ 50 - 70 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn rất nhiều nếu vào thời điểm cá tra rớt giá”.

img
Người nuôi cá tra nhỏ lẻ ở ĐBSCL đang giảm dần do nghề quá bấp bênh và tốn nhiều chi phí.

Theo ông Hùng ở địa phương có từ 3 - 4 người chuyên làm “cò” bán cá. Thông thường, “cò” có liên hệ mật thiết với nhà máy chế biến hay thương lái lớn. Khi nhà máy cần mua cá với kích cỡ nào thì chỉ cần liên hệ với “cò”. Khi đó, lực lượng “cò” sẽ đi tìm kiếm khắp các ao nuôi để đáp ứng nhu cầu. Thậm chí “cò” còn lấy tiền ở cả 2 phía là người nuôi cá và nhà máy chế biến.

Và không chỉ những người ở địa phương mà ngay cả nhân viên kiểm tra chất lượng của các nhà máy chế biến cũng làm “cò” bán cá tra. Nếu ao cá nào muốn bán thì chỉ cần liên hệ với nhân viên kiểm tra chất lượng và tốn chi phí “bôi trơn”.

Ông Võ Văn Đệ (ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) nuôi cá tra trên 10 năm thì vụ nào cũng tốn chi phí cho nhân viên kiểm tra chất lượng. Ông Đệ cho biết: “Mặc dù cá chất lượng tốt, gần tới ngày thu hoạch nhưng nhân viên kiểm tra chất lượng không gật đầu cũng không xong. Bởi vì họ mổ cá xong là tìm đủ mọi lý do như: Cá màu vàng, bị gạo trong thịt cá… Họ mổ tới, mổ lui đến khi nào chủ ao chi ra một mớ tiền mới xong”.

Theo những người nuôi cá tra lâu năm thì đây là những chi phí “bôi trơn” bất thành văn mà người nuôi nhỏ lẻ phải chịu. Đối với những người nuôi cá tra lời tiền tỷ thì chi phí 5 - 10 triệu đồng không là bao. Tuy nhiên, khi cá tra rớt giá, người nuôi thua lỗ phải tốn chi phí từ vụ này qua vụ khác thì số tiền ấy bỏ ra cũng xót.

Tuy nhiên, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ mới tốn chi phí cho “cò”, còn những HTX hay tổ hợp tác đều không tốn chi phí này. Gần 10 năm nay, HTX Nuôi cá tra Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) không phải tốn bất cứ một chí phí nào cho “cò” do đã ký hợp đồng tiêu thụ cá trực tiếp với các nhà máy chế biến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem