dd/mm/yyyy

Mường Chà: Niềm vui khi bác sỹ về bản

Biên chế bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã là một tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã cử cán bộ đi học, “chiêu mộ” bác sĩ về trạm y tế công tác. Ðến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn đã có bác sĩ.

Ðang cho con thở khí dung tại phòng bệnh của Trạm Y tế xã Mường Tùng, chị Mùa Thị Dỉ, bản Huổi Ðiết cho biết: Trước đây, mỗi lúc cháu có biểu hiện khó thở là chúng tôi phải đưa lên tuyến huyện. Từ khi có bác sĩ về công tác, trạm lại được đầu tư thêm thiết bị, cháu đã được chăm sóc khi cần thiết và có thể ở nhà uống thuốc theo đơn của bác sĩ, vì vậy tôi yên tâm rồi.

Chia sẻ của chị Dỉ cũng là niềm phấn khởi của nhiều người dân xã Mường Tùng bởi từ tháng 1/2018, Trạm Y tế xã Mường Tùng đã được biên chế 1 bác sĩ về trạm. Theo ông Ðiêu Văn Hoàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Tùng: Có bác sĩ về công tác, trạm không chỉ được trang bị thêm máy móc như máy chạy khí dung, tạo ô xi… mà số lượng thuốc được cấp tại trạm cũng phong phú hơn vì có những loại thuốc phải do bác sĩ kê đơn. Nhờ đó, người dân ngày càng có niềm tin khi đến khám, chữa bệnh, tỷ lệ đến thăm khám, điều trị tại trạm cũng tăng lên đáng kể. Ðặc biệt, có bác sĩ là Trạm Y tế xã đã giải được bài toán khó phải có bác sĩ trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã; góp phần đưa xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ tháng 11/2020.

Mường Chà: Niềm vui khi bác sỹ về bản - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Văn Phương, Trạm Y tế xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) khám bệnh cho người dân.

Trong câu chuyện với bác sĩ đa khoa Vũ Văn Phương, người vừa được luân chuyển công tác tại Trạm Y tế xã Mường Tùng từ tháng 6/2020, chúng tôi được biết, vào thời điểm năm 2013, khi được Trung tâm Y tế huyện cử theo học khóa bác sĩ chuyên tu, anh đã được lãnh đạo ngành Y tế huyện làm công tác tư tưởng làm nhiệm vụ bác sĩ “cắm” xã.

Bác sĩ Phương chia sẻ: Năm 2017, sau khi hoàn thành khóa học, tôi được phân công về Trạm Y tế xã Huổi Lèng. Buổi đầu khi mới về trạm, tôi cảm thấy hụt hẫng vì hầu hết người dân đến đây chủ yếu xin giấy chuyển tuyến do họ chưa có niềm tin vào trạm y tế xã. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả tập thể, chất lượng chẩn đoán và điều trị tại trạm ngày càng được nâng cao, nhờ đó, nhận thức của người dân cũng dần thay đổi. Số lượng người bệnh điều trị nội trú ngày càng tăng, giúp người bệnh giảm kinh phí đi lại cũng như giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ðến tháng 6/2020, tôi tiếp tục nhận công tác tại Trạm Y tế xã Mường Tùng.

Bác sĩ trẻ Giàng A Hồ, trước khi được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã Huổi Lèng cũng đã có hơn 3 năm làm bác sĩ “cắm” xã Hừa Ngài. Nói về công việc của bác sĩ tại xã, bác sĩ Hồ cho biết: Ban đầu tôi gặp phải không ít khó khăn, phần vì lần đầu nhận công tác ở địa bàn xã, phần khác còn bởi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở Trạm Y tế xã thiếu thốn. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của tôi đó là ngôn ngữ, vì tôi cũng là người con của đồng bào Mông, nên phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tính cách… của bà con tôi hiểu lắm. Nhờ đó, người dân cũng tin tưởng tôi hơn trong quá trình khám, điều trị cho họ. Ðể đáp lại sự tin tưởng đó, bản thân tôi tự hứa sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để chăm sóc sức khỏe cho bà con ngày một tốt hơn.

Mường Chà: Niềm vui khi bác sỹ về bản - Ảnh 2.

Tăng cường bác sỹ về xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện Mường Chà đã thực hiện, để giải quyết vấn đề khám chữa bệnh cho người dân ngay từ tuyến cơ sở.

Ðược biết, trước năm 2015, hầu hết cán bộ các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Mường Chà đều là y sĩ, điều dưỡng… gây nhiều hạn chế cho chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến đầu. Ðể giải bài toán thiếu hụt bác sĩ ở trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã linh động “giải quyết tình huống” bằng cách điều động luân phiên các bác sĩ từ trung tâm về tăng cường từ 2 buổi - 3 buổi/tuần hỗ trợ các trạm khám, điều trị những ca bệnh khó. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi thời gian bác sĩ làm việc tại trạm còn ít nên việc khám, theo dõi điều trị và làm công tác tuyên truyền cho người dân còn nhiều hạn chế. 

Bên cạnh đó, bác sĩ làm việc tại trạm theo giờ hành chính, không phải trực nên có những ca bệnh khó ngoài giờ thì lại không có bác sĩ để thực hiện thăm khám, vì vậy mục tiêu tăng cường giúp xã hiệu quả chưa cao. Trước thực tế đó, ngành Y tế huyện Mường Chà đã chủ động tạo điều kiện và khuyến khích y sĩ, dược sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời “chiêu mộ” các bác sĩ về trạm y tế xã công tác. Ðến nay 12/12 Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Chà đều có bác sĩ.

Theo ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà: Bác sĩ không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong thực hiện tiêu chí về xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tại tuyến đầu, góp phần giảm chi phí điều trị, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bởi vậy, mục tiêu của ngành y tế huyện trong thời gian tới là nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ cơ sở thông qua việc tăng cường công tác đào tạo. Tuy nhiên, cần có sự quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp các trạm y tế, bổ sung trang thiết bị, tạo điều kiện để các bác sĩ phát huy tay nghề. Ðó cũng chính là điều kiện để các bác sĩ yên tâm công tác, thực sự phát huy được năng lực chuyên môn tại cơ sở.

Thanh Phong