dd/mm/yyyy

Mường La giúp dân giảm nghèo từ trồng cây dược liệu

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt là phát triển trồng cây dược liệu, như: Thảo quả, sa nhân, sả java... đang mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Mường La là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, địa hình chủ yếu là đồi núi chia thành 2 vùng, vùng thấp khí hậu nóng, vùng cao mát mẻ, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, phương thức sản xuất, canh tác còn lạc hậu nên năng suất sản lượng cây trồng thấp, khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, huyện Mường La đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, triển khai dự án phát triển trồng cây dược liệu, với các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, như: Thảo quả, sa nhân, sả java... mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân.

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây sa nhân đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường La.

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây dược liệu của tỉnh, huyện Mường La đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Địa bàn Mường La là một trong những nơi có thể trồng được cả những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như các loại sâm.

"Huyện xác định phát triển cây dược liệu là thế mạnh, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng. Theo đó, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các HTX, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu", ông Tâm cho hay.

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 2.

Mô hình trồng cây dược liệu đang ngày càng nhân rộng không chỉ ở huyện Mường La.

Thông qua các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện có 140 ha sả Java, 160 ha thảo quả, 30 ha sa nhân, 2.229 ha sơn tra với sản lượng hàng nghìn tấn quả/năm. Trên địa bàn, ngày càng nhiều HTX tập trung phát triển cây dược liệu, như: HTX Tinh dầu dược liệu Mường La (xã Pi Toong); HTX Liên Sơn (xã Tạ Bú), HTX Hoàng Lâm (xã Hua Trai); HTX Thành Công (xã Ngọc Chiến)...

Cụ thể, tại các xã vùng thấp, khí hậu nóng, như: Pi Toong, Hua Trai, Tạ Bú, Mường Bú, Mường Chùm và thị trấn Ít Ong tập trung trồng cây sả, cây hương nhu. Tại các xã vùng cao, như: Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Ngọc Chiến sẽ trồng sơn tra, sa nhân và thảo quả dưới tán rừng.

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 3.

Trồng cây dược liệu đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Mường La.

"Để phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn, huyện đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân trong quá trình sản xuất. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa người dân, giữa các nhóm hộ, giữa các địa phương trong toàn huyện, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm", ông Tâm thông tin thêm.

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 4.

Nhờ hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dược liệu phát triển tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây dược liệu tại Mường La còn gặp một số khó khăn để nhân rộng mô hình, như: Vốn đầu tư ban đầu cao, hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Hầu hết các vùng trồng cây dược liệu đều là bà con dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới còn hạn chế, nhất là với các loại cây trồng dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, người dân vẫn chưa tin tưởng về hiệu quả mô hình trồng dược liệu, trong khi điều kiện khí hậu rất phù hợp với trồng cây dược liệu...

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 5.

Mô hình trồng sa nhân dưới tán cây rừng ở Mường La.

 Theo ông Tâm: Để thúc đẩy phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, huyện Mường La tiếp tục triển khai lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch và định hướng, đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế từng xã. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển các loại cây dược liệu hiếm, như sâm các loại. Bởi thực tế tại một số huyện, đã có doanh nghiệp chủ động đầu tư trồng thử nghiệm thành công cây sâm Ngọc Linh, mở ra hướng đi mới trong phát triển cây dược liệu giá trị cao ở Sơn La.

Mường La xóa đói giảm nghèo từ trồng cây dược liệu - Ảnh 6.

Mô hình trồng cây thảo quả đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao tại các xã vùng cao của Mường La.

Trong lộ trình phát triển cây dược liệu, Mường La sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, liên doanh với nông dân phát triển trồng dược liệu theo chuỗi cung ứng sản phẩm, xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu hướng tới xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Đồng thời, tạo sản phẩm phục vụ du khách tại các điểm du lịch, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm nông sản địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

Nguyễn Ngọc Vân-Trường Chính trị tỉnh Sơn La