dd/mm/yyyy

Mường Nhé đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị

Những năm qua, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thực hiện Công văn số 629/SNN-KHTC của Sở NN&PTNT về việc tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Mường Nhé triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu Đề án. Trong đó, tái cơ cấu ở lĩnh vực trồng trọt và và chăn nuôi được xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đang được huyện Mường Nhé chỉ đạo người dân thực hiện. Nhiều gia đình đã có đàn gia súc 100 con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đang được huyện Mường Nhé chỉ đạo người dân thực hiện. Nhiều gia đình đã có đàn gia súc 100 con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

UBND huyện tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hiện, Mường Nhé có trên 700 km đường giao thông, trong đó, có gần 200 km đường quốc lộ, tỉnh lộ; 235 km đường huyện lộ và trên 300 km đường giao thông liên thôn bản. Toàn huyện có 52 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu thực tế cho 986 ha lúa ruộng, trong đó diện tích cấy lúa 2 vụ là 74 ha.

Song song với tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, UBND huyện còn tập trung thực hiện công tác quy hoạch đất sản xuất nông - lâm nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn. Theo quy hoạch mới, huyện tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa nước tại các xã: Mường Nhé, Nậm Kè, Mường Toong và Sen Thượng; mở rộng diện tích trồng ngô lai tại các xã Nậm Vì, Pá Mì, Sín Thầu, Mường Nhé… Đối với những cây công nghiệp ngắn ngày vận động nhân dân mở rộng diện tích với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước từ 3 - 5%/ năm.

Bên cạnh đó, Mường Nhé tập trung thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư (KNKN), từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, bình quân mỗi năm huyện đầu tư 2 – 2,5 tỉ đồng thực hiện công tác KNKN. Mỗi năm, các cơ quan chức năng tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt nông dân.

Đàn bò nhà ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu có hơn 200 con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Đàn bò nhà ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu có hơn 200 con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Hàng năm các cơ quan chuyên môn thuộc huyện còn triển khai từ 6 - 8 mô hình trình diễn như: Thâm canh lúa nước, trồng khoai tây, thí điểm thâm canh cây thảo quả, trồng keo, chăn nuôi vịt bầu theo hướng an toàn sinh học, nuôi cá thả ao hệ VAC, trồng cam Vinh...

Thông qua mô hình trình diễn thâm canh lúa nước: IR64, HT I, nếp 352, Bắc thơm số 7… nhiều hộ dân trên địa bàn đã loại bỏ canh tác lúa nương, giống lúa ruộng địa phương để tập trung phát triển những giống lúa cao sản này. Năng suất lúa IR64 đạt từ 55 - 65 tạ/ha (cao gấp 3 - 4 lần so với canh tác lúa nương) của nông dân các xã Mường Nhé, Nậm Kè, Mường Toong đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún của người dân nơi đây.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững bằng cách không ngừng lai tạo nâng cao chất lượng con giống có tiềm năng phát triển như: Trâu, bò, ngựa, dê, gà, vịt, ngan, ngỗng. Hàng năm, huyện dành hàng chục tỉ đồng mua con giống cấp cho các hộ dân trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt bình quân 6,2%/năm.

Bài, ảnh: Thanh Phong