dd/mm/yyyy

Mường Nhé: Xóa phòng học tạm - khó khăn bộn bề

Mường Nhé (Điện Biên) là huyện miền núi, biên giới, nhiều khó khăn. Hiện nay, đang có gần 100 phòng học, nhà ở của thầy, cô và học sinh là nhà tạm.

Mường Nhé, khó khăn từ ngày đầu thành lập

Năm 2002, huyện Mường Nhé (tỉnh Lai Châu cũ) được thành lập trên cơ sở tách một phần địa giới hành chính của huyện Mường Tè và huyện Mường Chà. Trụ sở của huyện đặt tạm ở xã Chà Cang, từ đây đi các xã trong huyện, cán bộ phải cuốc bộ vài ngày đường. Thầy cô đến trường phải băng rừng, vượt núi mang theo thực phẩm dự trữ vài tháng để "gieo chữ" nơi đất khó.

Mường Nhé: Bao giờ mới xóa hết phòng học tạm - Ảnh 1.

Dù được đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay nhiều trường, lớp tại các điểm bản của huyện Mường Nhé vẫn là phòng học tạm. Một số trường được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm hiện nay đã xuống cấp, cần đầu tư, tu sửa.

Những năm tháng ấy, các thầy cô giáo đã cố gắng vượt qua khó khăn vì thế hệ tương lai của Đất nước. Nhiều thầy cô từ miền xuôi, tình nguyện cuốc bộ cả ngày đường để đến những điểm bản "nhiều không": không đường, không điện, không lớp, không y tế... dựng lớp, mở trường dạy học. Ban ngày, các thầy cô lên nương vận động phụ huynh cho con đến trường, buổi tối các thầy cô lại thắp đèn dạy chữ cho học sinh.

Cùng với sự phát triển của huyện, sự nghiệp giáo dục được các cấp ủy chính quyền quan tâm. Những ngôi trường mới khang trang, chỗ ở cho giáo viên được làm mới đã từng bước thay đổi bộ mặt của giáo dục Mường Nhé. Dù được đầu tư xây dựng, nhưng với xuất phát điểm thấp, còn nhiều trường lớp chưa được xây dựng. Vì thế ,mỗi năm Nhà nước đầu tư vài chục tỷ để xây dựng cũng chỉ như muối bỏ bể. Để đáp ứng nhiệm vụ dạy và học trong tình hình mới, ngoài đầu tư của nhà nước, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng trường lớp để giảm bớt gánh nặng cho ngành giáo dục.

Mường Nhé còn nhiều lớp học tạm sau 20 năm thành lập

20 năm sau thành lập, đến nay toàn huyện Mường Nhé vẫn còn gần 100 phòng học, nhà ở cho thầy cô là nhà tạm, hơn 600 phòng học và nhà ở cho giáo viên, học sinh là nhà bán kiên cố (nhà lắp ghép). Để kiên cố hoá số phòng học, phòng ở trên cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Nhưng với huyện nghèo nhất cả nước, thu ngân sách cả năm được trên 10 tỷ đồng như Mường Nhé thì việc tìm nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục là câu hỏi làm đau đầu lãnh đạo huyện cũng như lãnh đạo ngành giáo dục Điện Biên.

Mường Nhé: Bao giờ mới xóa hết phòng học tạm - Ảnh 2.

Nhiều lớp học tạm chưa được đầu tư xây dựng. Đây chính là khó khăn nhất của ngành giáo dục Mường Nhé

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch có 8 điểm trường, gồm điểm trường trung tâm và 7 điểm trường bản. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của Trường rất thiếu thốn, nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh... đều là phòng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến nay, dù đã được quan tâm đầu tư từ các chương trình của Nhà nước, hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn. 

Thầy Vũ Quang Huy, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lếch chia sẻ: "Trường vừa tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chuyển giao sang. Điểm trường này hết sức khó khăn, vẫn còn là điểm trường tạm, chưa được đầu tư xây dựng kiên cố. Tuy đã kêu gọi được nhà tài trợ nhưng đường giao thông quá xa và khó khăn nên việc vận chuyển vật liệu lên xây chưa thực hiện được. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất ngay tại điểm trường trung tâm cũng đang rất thiếu. Các phòng học được xây dựng từ lâu, theo kiểu cũ nên nhỏ, chật chội, không phục vụ được công tác dạy và học, nhất là với lớp học khoảng 35 học sinh/lớp".

Mới đây, điểm trường bản Yên nằm ở xa nhất, sâu nhất của xã Mường Toong vừa được khởi công xây dựng. Nhưng trước đó, cơ sở vật chất của điểm trường đều đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều năm qua, thầy và trò nơi đây phải học trong các phòng học xập xệ, không an toàn. Cô Lê Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mường Toong số 1, chia sẻ: Điểm trường bản Yên gồm 4 phòng học; trong đó, 2 phòng xây mới, 2 phòng dựng bằng gỗ, xập xệ, không đảm bảo an toàn. Mùa mưa thì nước chảy vào xối xả, mùa đông thì gió lùa lạnh buốt, mỗi khi gió lớn hay mưa bão thì khả năng sập rất cao. Thầy, trò nhà trường vẫn mong mỏi có một điểm trường mới khang trang, sạch đẹp để yên tâm dạy và học.

Mường Nhé: Bao giờ mới xóa hết phòng học tạm - Ảnh 3.

Mường Nhé rất cần được đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tổng số phòng học hiện có 783 phòng; trong đó, số phòng kiên cố 456, bán kiên cố 300 (có 114 phòng là nhà lắp ghép), 27 phòng tạm. Phòng công vụ hiện có 311; trong đó, 143 phòng kiên cố, 152 phòng bán kiên cố (18 phòng lắp ghép), 16 phòng tạm; đáp ứng được 80% nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phòng nội trú hiện có 479; trong đó, 164 phòng kiên cố, 272 bán kiên cố (82 phòng lắp ghép), 43 phòng tạm; đáp ứng 80% nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, số trường trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt chuẩn 10/35, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh 25/35, đa số là nhà vệ sinh ở các điểm trường lẻ.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: "Cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đang là một trong những khó khăn của huyện. Tại một số trường hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu phòng học nên phải tiến hành ghép lớp, dẫn đến số lượng học sinh/lớp đông, không thể nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt, đối với trẻ cấp học mầm non và học sinh lớp 1, 2 cấp tiểu học, vì đây là những khối lớp nền móng cho công tác giáo dục. Việc phải ghép lớp dẫn đến chật chội, nóng bức đặc biệt là vào mùa hè gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc học sinh của các nhà trường. Thiếu thốn về cơ sở vật chất còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, không đủ không gian để học sinh tiến hành các hoạt động như thảo luận, trao đổi theo nhóm...".

Cũng bởi là huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí chi thường xuyên được cấp để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn hạn chế. Dẫu vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé vẫn đang tăng cường tham mưu với các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường; tiếp tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp từ nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục và nguồn xã hội hóa giáo dục, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. 

Phòng đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa phòng học và các công trình phụ trợ đặc biệt là ở các trường, các điểm trường đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng (còn nhà lớp học tạm). Trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, Phòng nhận được sự quan tâm, tài trợ kinh phí xây dựng các điểm trường từ Quỹ Hi vọng (Báo VnExpress) đầu tư 5 công trình với tổng mức trên 5 tỷ đồng; Đài tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đầu tư 3 công trình tổng mức 3,2 tỷ đồng; Ngân hàng Công Thương đầu tư Trường Mầm non Pá Mỳ tổng mức 5 tỷ đồng... Đó là những nguồn tài trợ hết sức quý báu, góp phần san sẻ, làm vơi bớt những khó khăn với sự nghiệp giáo dục vùng cao, biên giới như huyện Mường Nhé.

Thu Hường