Mỹ bí mật thay đổi HIMARS gửi đến Ukraine?

Lê Phương (RT) Thứ ba, ngày 06/12/2022 13:40 PM (GMT+7)
Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) được cho là đã bị thay đổi để không thể bắn tên lửa tầm xa vào Nga.
Bình luận 0
Mỹ bí mật thay đổi HIMARS gửi đến Ukraine? - Ảnh 1.

Bệ phóng tên lửa HIMARS của Mỹ được triển khai trong một cuộc tập trận. Ảnh: Getty

Các bệ phóng tên lửa HIMARS mà Ukraine nhận được từ Washington đã được "bí mật sửa đổi" để không thể bắn tên lửa tầm xa, ngay cả khi Kiev lấy chúng từ nơi khác, tờ Wall Street Journal hôm 5/12 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.

Tổng cộng có 20 bệ phóng HIMARS đã được gửi tới Ukraine kể từ tháng 6, cùng với một số lô tên lửa dẫn đường GMLRS và nhiều thiết bị khác. GMLRS có tầm hoạt động gần 80km.

Kể từ đó, Ukraine đã kêu gọi cung cấp cho nước này tên lửa ATACMS với tầm bắn hơn 300km. Cho đến nay Mỹ vẫn từ chối yêu cầu. 

Theo WSJ, ngay cả khi Nhà Trắng thay đổi ý định hoặc Kiev có được ATACMS cũng như các tên lửa tầm xa tương tự, thì chúng cũng sẽ không hoạt động hiệu quả với HIMARS hiện có trên thực địa.

Đó là bởi Mỹ đã sửa đổi cả về "phần cứng và phần mềm của hệ thống tên lửa" trước khi gửi chúng đến Ukraine, các quan chức giấu tên nói với hãng tin. Quân đội Ukraine và Lầu Năm Góc từ chối bình luận.

Theo WSJ, động thái này là một bằng chứng cho thấy "quan chức Mỹ lo ngại rằng Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp", đồng thời nhấn mạnh mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden là "giảm thiểu rủi ro xảy ra một cuộc chiến rộng lớn hơn" với Nga.

Moscow nhiều lần cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ" và lôi kéo trực tiếp Mỹ cũng như NATO vào cuộc xung đột. Đáp lại, Mỹ cùng các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào các hành động thù địch, đồng thời tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev.

Vào tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ với các phóng viên rằng Washington đã nhận được "sự đảm bảo" từ Kiev rằng họ sẽ không dùng HIMARS "để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga" và tuyên bố có "một mối quan hệ tin cậy mạnh mẽ giữa Ukraine và Mỹ". 

Tuy nhiên, đến tháng 9, ông Blinken cho biết Mỹ không coi Crimea và bốn khu vực khác bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia thuộc lãnh thổ Nga. Như vậy, đây có thể được coi là các mục tiêu hợp pháp để sử dụng vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp.

Tiết lộ hôm 5/12 về những thay đổi đối với bệ phóng HIMARS cũng mâu thuẫn với tuyên bố của đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink, người đã nói vào tháng 6 rằng quyết định về phạm vi tấn công của các hệ thống sẽ "tùy thuộc vào phía Ukraine".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem