Mỹ, châu Âu ít chịu tác động nếu China Evergrande sụp đổ

24/09/2021 14:43 GMT+7
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng châu Âu có “tiếp xúc rất hạn chế” với vụ khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc China Evergrande.

Tuyên bố của bà Lagarde được đưa ra vào thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu cảnh giác cao độ về cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande, tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất hành tinh.

China Evergrande hiện đối mặt với một khoản trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2022 sẽ đến hạn trả lãi vào ngày 23/9, trong khi một khoản thanh toán lãi suất khác trị giá 47,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2024 sẽ đến hạn vào ngày 29/9 này. Nếu nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, hai trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ. 

Việc China Evergrande vỡ nợ có nguy cơ tác động đến toàn hệ thống tài chính Trung Quốc, gây ra những gợn sóng hệ lụy cho kinh tế toàn cầu; dù rằng các chuyên gia phân tích tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ hành động để hạn chế tác động của một cuộc khủng hoảng tiềm năng như vậy.

Mỹ, châu Âu ít chịu tác động nếu China Evergrande sụp đổ - Ảnh 1.

Mỹ, châu Âu ít chịu tác động nếu China Evergrande sụp đổ, theo tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ảnh: Forbes)

Trả lời phỏng vấn tờ CNBC tại Frankfurt, Đức hôm 23/9, bà Lagarde cho biết ECB đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan đến China Evergrande. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và tôi đã có một cuộc họp báo trong ngày bởi tôi cho rằng tất cả các thị trường tài chính đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tôi có những minh chứng rõ rệt về việc diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc ảnh hưởng ra sao đến thị trường toàn cầu. Nhưng ở châu Âu và đặc biệt là khu vực đồng Euro, hệ lụy trực tiếp là hạn chế” - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB khẳng định.

Khi được hỏi liệu ECB có chuẩn bị cho viễn cảnh hỗn loạn của hệ thống tài chính toàn cầu trong trường hợp China Evergrande sụp đổ hay không, bà Lagarde khẳng định: “Như tôi đã nói, vào lúc này, chúng tôi cho là tác động sẽ tập trung chủ yếu vào Trung Quốc. Tôi có thể nhấn mạnh thêm rằng sự tiếp xúc trực tiếp của châu Âu (với China Evergrande) là hạn chế”.

Bình luận của bà  Lagarde được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande có thể là vấn đề lớn với Trung Quốc nhưng ít có tác động với khu vực doanh nghiệp Mỹ. “Liên quan đến tác động (mà nguy cơ China Evergrande sụp đổ gây ra) với Mỹ, chúng tôi cho rằng không có nhiều sự tiếp xúc trực tiếp với Mỹ. Tôi sẽ không vẽ ra viễn cảnh nó ảnh hưởng ra sao đến khu vực doanh nghiệp Mỹ”.

Là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, China Evergrande cũng đồng thời là tập đoàn BĐS mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng số nợ lên tới hơn 300 tỷ USD. Tính từ tháng 7/2020 (thời điểm Bắc Kinh bắt đầu siết chặt hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản) đến nay, cổ phiếu China Evergrande đã giảm gần 90%.

Chỉ trong 5 phiên giao dịch qua, cổ phiếu China Evergrande niêm yết tại Hong Kong đã tụt hơn 20% khi nhà đầu tư theo dõi tình hình thanh khoản tồi tệ của tập đoàn này. Riêng trong phiên giao dịch 24/9, tại thị trường Hong Kong, cổ phiếu China Evergrande đã giảm sâu gần 12% (tính đến khoảng 15 giờ 20 phút chiều, giờ địa phương”. 

Mỹ, châu Âu ít chịu tác động nếu China Evergrande sụp đổ - Ảnh 3.

Cổ phiếu China Evergrande tại Hong Kong hiện đã tụt xuống 2,35 HKD/cp vào lúc 15h20p chiều (giờ địa phương)

Trước đó, hôm 23/9, tờ Thời báo phố Wall (Wall Street Journal) đưa tin chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức địa phương chuẩn bị cho khả năng sụp đổ của China Evergrande.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande không có khả năng gây ra hậu quả tương tự vụ sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008. 

Nguyên nhân đầu tiên: China Evergrande nắm giữ nhiều tài sản vật chất như bất động sản, trong khi Lehman Brothers chỉ nắm giữ tài sản tài chính vô hình. Theo ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, mặc dù China Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản khổng lồ, nhưng cần nhấn mạnh rằng tập đoàn này sở hữu một quỹ đất lớn. Ước tính các tài sản bao gồm dự án nhà đất của China Evergrande có giá trị khoảng 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (220 tỷ USD). 

Nguyên nhân thứ hai, có một điểm khác biệt quan trọng khác trong trường hợp của Evergrande so với Lehman Brothers là mức độ kiểm soát và tham gia của Chính phủ với ngành bất động sản tại Trung Quốc.Các nhà phân tích tại China Beige Book cho biết: “Các ngân hàng của Trung Quốc cũng như nhiều tổ chức tài chính khác trước tiên là cánh tay của Chính phủ… Ngay cả các đơn vị tài chính không nằm trong lĩnh vực quốc doanh cũng chịu kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Do đó, các vụ phá sản thương mại nhìn chung là quyết định từ Chính phủ. Chính phủ nói cho vay, ngân hàng sẽ cho vay… Không có tình huống tương tự Lehman Brothers ở đây, do đó sẽ không có khủng hoảng Lehman Brothers lặp lại”.


NTTD
Cùng chuyên mục