Mỹ chính thức điều tra Tiktok, nghi vấn kiểm duyệt nội dung theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh

02/11/2019 17:12 GMT+7
Chính phủ Mỹ mới đây đang xem xét đưa công ty sở hữu ứng dụng Tiktok - ByteDance (Bắc Kinh) vào danh sách những mối quan ngại an ninh quốc gia, theo hai nguồn tin của Reuters.

Là một ứng dụng phát video xuất xứ từ Trung Quốc, Tiktok thực chất chỉ phát triển tại Mỹ sau thương vụ mua lại Musical.ly (một ứng dụng hát và thu âm thu hút lượng lớn người Mỹ sử dụng) năm 2017. Tại thời điểm đó, theo TechCrunch, thương vụ này có trị giá lên tới 1 tỷ USD. Sau khi phát triển thêm hàng loạt tính năng độc đáo từ nền tảng Musical.ly, Tiktok thu về lượng khổng lồ người dùng Mỹ.

Việc Tiktok trở nên phổ biến đúng vào thời điểm căng thẳng Mỹ Trung leo thang trong các vấn đề thương mại và công nghệ đã đặt ra mối quan ngại với cho Nhà Trắng. Theo báo cáo của Tiktok hồi đầu năm 2019, khoảng 60% trong số 26,5 triệu người dùng Mỹ hoạt động thường xuyên hàng tháng nằm trong độ tuổi 16-24.

Mỹ chính thức điều tra Tiktok, nghi vấn kiểm duyệt nội dung theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh - Ảnh 1.

3 tuần sau lời kêu gọi điều tra Tiktok, Ủy ban Lập pháp CFIUS chính thức bắt đầu lật lại hồ sơ thương vụ Tiktok mua lại Musical.ly

Dù thương vụ mua lại đã khép lại gần 2 năm, các nhà lập pháp Mỹ mới đây đã kêu gọi một cuộc điều tra an ninh quốc gia nhằm vào Tiktok và ByteDance với lo ngại công ty Trung Quốc này đang kiểm soát những nội dung video nhạy cảm theo sự chỉ đạo chính trị từ Bắc Kinh. 

Hồi đầu tháng 10, thượng nghị sĩ Marco Rubio đã mở đầu làn sóng điều tra Tiktok với tuyên bố trước Thượng viện: “Hôm nay, tôi sẽ yêu cầu Ủy ban Lập pháp CFIUS xem xét điều tra thương vụ mua lại Musical.ly của TikTok. Nhiều bằng chứng ngày càng rõ ràng từ các nước Phương Tây bao gồm cả Mỹ đã chỉ ra rằng TikTok có vẻ như đang kiểm duyệt nội dung theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Sự bất thường được ông Marco Rubio chỉ ra sau khi nhận ra hàng loạt vấn đề chính trị nhạy cảm của thế giới lại không xuất hiện phổ biến trên Tiktok. “Ứng dụng này thậm chí lặng lẽ vùi dập những chủ đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là nhạy cảm, như vụ Quảng trường Thiên An Môn, biểu tình ở Hồng Kông...” - ông Rubio nhận định trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Thực tế, vào thời điểm vấn đề Hồng Kông đang nóng bỏng trên toàn thế giới, nền tảng video Tiktok chỉ xuất hiện vài clip ngắn ngủi xoay quanh sự kiện này và không nhận được nhiều tương tác hay quan tâm.

Đồng quan điểm với Thượng nghị sĩ Marco Rubio, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng nhiều lần chỉ trích Tiktok về những quan ngại trong vấn đề kiểm duyệt và bảo mật. 

Ủy ban Lập pháp CFIUS hiện đã bắt đầu điều tra lại thương vụ mua bán Musical.ly của Tiktok, theo các nguồn tin từ Reuters. Tuy nhiên, mọi thông tin về cuộc điều tra hiện vẫn đang trong vòng bí mật. 

Ở phía đối lập, đại diện của Tiktok khẳng định rằng công ty này “không có ưu tiên nào cao hơn quyền lợi và lòng tin của người dùng cũng như các cơ quan quản lý tại Mỹ. Trong nỗ lực đó, chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội và nỗ lực thực hiện những cam kết bảo mật”. ByteDance hiện chưa lên tiếng sau động thái của Mỹ.

Hồi đầu tháng 10, Tiktok cũng từng lên tiếng sau cáo buộc của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, rằng “TikTok phiên bản Mỹ đã hoàn toàn được bản địa hóa, tuân thủ mọi luật pháp Mỹ và quy định về dữ liệu người dùng của Mỹ. Nội dung và chính sách kiểm duyệt của TikTok hiện được chỉ đạo bởi đội ngũ kiểm duyệt viên tại Mỹ chứ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào. Chính phủ Trung Quốc không hề yêu cầu kiểm duyệt nội dung TikTok Mỹ và cũng sẽ không có quyền yêu cầu bất kỳ điều gì tương tự như vậy”.

Hồi tuần trước, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã đề xuất một cuộc thăm dò an ninh quốc gia nhằm vào Tiktok. “Với hơn 110 triệu lượt tải xuống tại Mỹ, Tiktok có thể xem như mối đe dọa tiềm tàng mà Chính phủ không thể làm ngơ” - hai nhà lập pháp tuyên bố. Tiktok tuyên bố rằng dữ liệu người dùng Mỹ được quản lý dựa trên luật pháp Mỹ, nhưng ông Chuck Schumer lưu ý rằng ByteDance hiện chịu sự chi phối của pháp luật Trung Quốc, chẳng khác gì trường hợp của Huawei. 

Chính phủ Mỹ được cho là đang ngày càng khắt khe với các công ty, các ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc do mối quan ngại an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục