Mỹ, đồng minh và đối tác: Sự hoà giải sách lược

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 10/03/2021 14:35 PM (GMT+7)
Nếu muốn các đồng minh và đối tác thật sự tin tưởng là ông Biden thật sự đưa nước Mỹ trở lại với thế giới thì có hai việc sau đây ông Biden trước hết không những không thể không làm mà còn phải làm khẩn trương, nhanh chóng nhất có thể.
Bình luận 0
Mỹ, đồng minh và đối tác: Sự hoà giải sách lược - Ảnh 1.

Chính quyền mới ở Mỹ vừa cung cấp thêm bằng chứng mới hàm ý cho thế giới thấy tân tổng thống Mỹ Joe Biden không đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo với tuyên cáo về chủ ý đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới khi thoả thuận với EU ngừng thực hiện áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với một số dòng sản phẩm của nhau. 

  Chuyện áp thuế lẫn nhau này là quyết sách của chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ và được đưa ra, thực hiện cũng như làm rùm beng với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Thoả thuận mới đạt được kia giữa Mỹ và EU chưa lật ngược được hết những biện pháp chính sách bảo hộ mà chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ thực hiện nhằm vào sản phẩm hàng hoá xuất khẩu của EU sang thị trường Mỹ, nhưng cũng đủ để giảm đi rất đáng kể mức độ của cuộc xung khắc thương mại song phương. 

Tác động chính trị của thoả thuận vô cùng quan trọng đối với cả hai bên bởi ông Biden không thể không tranh thủ EU nếu thực sự chủ ý làm sống lại mối quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ - mà EU và Nato thuộc diện hàng đầu. Nếu muốn các đồng minh và đối tác thật sự tin tưởng là ông Biden thật sự đưa nước Mỹ trở lại với thế giới thì có hai việc sau đây ông Biden trước hết không những  không thể không làm mà còn phải làm khẩn trương, nhanh chóng như có thể được.

 Việc thứ nhất là đưa nước Mỹ tham gia trở lại những tổ chức hay thể chế đa phương quốc tế mà người tiền nhiệm đã quay lưng lại và đưa nước Mỹ tham gia trở lại những hiệp ước quốc tế mà người tiền nhiệm đã rút nước Mỹ ra khỏi cũng với lập luận vì "Nước Mỹ trước hết". Có thể nêu ra ở đây chẳng hạn như Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất, Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng nhân quyền của LHQ, tham gia có trách nhiệm và xây dựng vào hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới.... Việc thứ hai là khôi phục quan hệ hợp tác tin cậy và gắn bó với EU và Nato, tham gia tích cực vào hoạt động của Nhóm G7, G20 hay Diễn đàn kinh tế thế giới Davos.

Thoả thuận mới rồi với EU nằm trong bối cảnh tình hình ấy. Phía EU dùng thoả thuận này để xác định nhận thức có thể tin cậy chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân ông Biden hay không. Nó giúp giới kinh tế của EU giảm thiểu thiệt hại và đồng thời tạo ra bầu không khí chính trị thuận lợi để hai bên giải quyết ổn thoả những chuyện mắc mớ khác cũng như thúc đẩy đàm phán về hiệp định hợp tác thương mại mới theo hướng hình thành khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương.

Xung khắc lợi ích cơ bản giữa Mỹ và EU về kinh tế, thương mại và đầu tư dai dẳng từ nhiều năm nay rồi. Ông Biden hiện chưa có chủ ý tập trung giải quyết xung khắc này mà chỉ mới nhằm giảm bớt mức độ bất hoà để có yên hàn tương đối cho thời gian nhất định phục vụ cho việc ưu tiên đối nội. Nhưng đồng thời, thoả thuận này cũng còn là cách giúp chính quyền mới ở Mỹ tranh thủ và lôi kéo EU vào liên thủ cùng đối phó Trung Quốc và Nga. 

Chính quyền mới ở Mỹ không đi vào giảm xung khắc với Nga và Trung Quốc như với EU vì Nga và Trung Quốc đã trở thành thách thức trực tiếp và ghê gớm đối với Mỹ trên nhiều phương diện quyết định tương lai của nước Mỹ nên Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải đẩy mạnh chứ không vừa phải và càng không thể ngừng cạnh tranh chiến lược với cả hai nước này. Ông Biden ý thức được rằng - và ở điểm này không khác biệt gì nhiều nhận thức của người tiền nhiệm - nếu không tiếp tục quyết liệt và kiên định cứng rắn với Trung Quốc và Nga thì rồi sẽ bị hai đối thủ này thẳng thừng bất chấp và dễ dàng vượt mặt, sẽ quá muộn với việc kiềm chế họ và việc buộc họ phải chấp nhận vai vế mà Mỹ sắp đặt cho họ trong chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học công nghệ.... trên thế giới.

Sự hoà giải này giữa Mỹ và EU chỉ mang tính nhất thời bởi vì sau khi giải quyết được ổn thoả những chuyện đối nội cấp bách hiện tại thì bài toán đối ngoại đặt ra cho ông Biden và ông Biden xác định cho mình sẽ hoàn toàn khác. Khi ấy, sự cọ sát và xung khắc lợi ích cơ bản trong quan hệ hợp tác song phương mới bộc lộ hết mức độ nhạy cảm và tế nhị về mọi phương diện cũng như mức độ nan giải của chúng. Sự đồng hành giữa Mỹ và EU trong đối phó Nga và Trung Quốc sẽ được hai bên tiếp tục nhưng không đủ để đảm bảo là hai bên hoá giải được mọi bất hoà và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem