Mỹ, Đức lảng tránh viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Nguyễn Tuấn (Theo CNN) Thứ năm, ngày 04/09/2014 20:16 PM (GMT+7)
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Đức đang cố lảng tránh viện trợ quân sự cho Ukraine vì lo ngại bị cuốn vào cuộc xung đột ở miền Đông nước này.
Bình luận 0

imgTổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Estonia, ngày 3.9. Trong bài phát biểu, ông Obama cáo buộc, hoà bình và tự do tại châu Âu “bị đe dọa bởi sự xâm lược của Nga tại Ukraine”.

CNN đưa tin, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đang tập trung ở Newport, xứ Wales để họp hội nghị thượng đỉnh của NATO, quân đội Ukraine đang bị phe ly khai ở miền Đông tấn công dồn dập. Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây đang “đau đầu” với câu hỏi: Có nên viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev?

 

Đến nay, hai nhà lãnh đạo quan trọng là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn từ chối viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang vật vã xoay sở trong cuộc chiến với phe ly khai ở miền Đông (được cho là được Nga hỗ trợ), áp lực đang gia tăng lên hai nhà lãnh đạo Mỹ, Đức khiến họ phải cân nhắc lại quyết định của mình.

NATO vừa công bố kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng thủ của các thành viên tuyến đầu ở vùng Baltic và Đông Âu. Liên minh này đang có kế hoạch tạo ra một lực lượng phản ứng nhanh, gồm 4.000 binh sĩ nhằm có khả năng đáp trả lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga trong vòng 1 giờ.

Tuy nhiên, kế hoạch trên không hỗ trợ nhiều đối với Ukraine, vì nước này không phải là thành viên của NATO.

Để chống lại phe ly khai, quân đội Ukraine cần có vũ khí chống tăng và vũ khí chống máy bay, máy bay không người lái, phụ tùng thay thế, nhiên liệu. Đặc biệt, Ukraine đang rất cần sự trợ giúp về tình báo và tư vấn chiến lược từ các nhà hoạch định quân sự phương Tây.

 

Tuy nhiên, nếu Mỹ và Đức viện trợ cho Kiev các vũ khí hạng nặng hỏa lực mạnh có thể kích động phản ứng mạnh từ Nga, nước có sức mạnh quân sự vượt trội so với Ukraine.

Viện trợ vũ khí vào khu vực xảy ra chiến sự sẽ chỉ làm tăng quy mô của cuộc chiến và tăng số người chết, dẫn tới khả năng không thể kết thúc được cuộc chiến đó.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện cho rằng, chiến lược trừng phạt kinh tế Nga sẽ mang lại hiệu quả hơn. Theo CNN, Mỹ và Đức không muốn can thiệp quân sự trực tiếp, vì lo ngại bị cuốn vào cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem