Mỹ, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam kỳ vọng thu 20 tỷ USD

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 11/02/2022 06:33 AM (GMT+7)
Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025, mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ hướng đến mục tiêu 18 - 20 tỷ USD

Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị vừa ký Quyết định số 60/QĐ-TCLN-KHTC phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu chung của Kế hoạch này là tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp...

Ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. 

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể như sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD (hiện Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam).

Tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025;  sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.

tannien/Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục - Ảnh 2.

Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Thông (Bình Dương). Ảnh: K.N

tannien/Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục - Ảnh 3.

Xây dựng nhãn hiệu gỗ Việt để tăng tốc xuất khẩu gỗ

Cũng theo kế hoạch này, trong giai đoạn 2025 - 2030, ngành lâm nghiệp định hướng cơ cấu theo nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia. 

Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. 

Phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản công nghệ cao gắn với các vùng trồng rừng tập trung; tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu; tập trung phát triển các mặt hàng sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao và bền vững. 

Phát triển lâm sản ngoài gỗ, đẩy mạnh gây trồng, sử dụng, chế biến sâu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, có giá trị kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế của các vùng, miền như: mây tre, dược liệu, dầu nhựa, thực phẩm, các chế phẩm hữu cơ.

Đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế, điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường, có cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực cấp tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ.

Cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng với mục tiêu diện tích rừng gỗ lớn đạt khoảng 30% tổng diện tích rừng trồng mới. 

Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu. 

Tập trung phát triển các mặt hàng sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao, nhu cầu sử dụng cao, tương đối ổn định trên thị trường trong và ngoài nước như: đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm tinh chế từ lâm sản ngoài gỗ; ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm gỗ xuất khẩu. 

 Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; phát triển các hình thức thương mại hiện đại, ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để phát triển thương mại điện tử. 

Xây dựng nhãn hiệu Gỗ Việt, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Gỗ Việt đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trước mắt, trong năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng rừng tập trung đạt 240.000ha; trồng 122 triệu cây phân tán để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3 đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng: 3.000 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem