Mỹ - Nhật tuyên bố chung chiến tuyến trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

18/04/2021 13:56 GMT+7
Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thể hiện tầm nhìn thống nhất với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trên mặt trận đối phó với Trung Quốc thông qua Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức đến nay.

Các cuộc hội đàm đã mang lại cho Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden một cơ hội thảo luận sâu hơn trong nỗ lực khôi phục lại liên minh đồng minh Mỹ vốn đã rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Trung Quốc là trọng tâm chương trình nghị sự của ông Biden. Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhật Bản trong những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Bắc Kinh.

“Hôm nay, Thủ tướng Suga và tôi khẳng định sự ủng hộ sâu sắc của chúng tôi đối với liên minh Mỹ-Nhật vì an ninh chung của hai quốc gia” - Tổng thống Biden phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng Nhà Trắng. “Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc liên quan đến hàng loạt các vấn đề như Biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Triều Tiên, để đảm bảo một tương lai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Mỹ - Nhật tuyên bố chung chiến tuyến trong cuộc đối đầu với Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ - Nhật tuyên bố chung chiến tuyến trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Suga cũng khẳng định hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết diễn ra các cuộc thảo luận thẳng thắn với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ hôm thứ Bảy, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” tuyên bố chung vừa qua giữa Mỹ - Nhật, và rằng các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương thuộc phạm vi nội bộ quốc gia Trung Quốc. Theo đại sứ quán Trung Quốc, tuyên bố chung này “đã hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương”, gây tổn hại đến lợi ích bên thứ ba cũng như hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật vừa qua là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh các vấn đề địa chính trị, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật cũng đề cập đến các lĩnh vực công nghệ viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, hệ gen và chuỗi cung ứng bán dẫn như một trong những trọng tâm đầu tư của các chính phủ trong nỗ lực duy trì ưu thế công nghệ trước Trung Quốc.

Cuộc khảo sát của Nikkei năm ngoái chỉ ra rằng trong năm 2019, Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất trong 12 lĩnh vực công nghệ, tăng hai lĩnh vực so với năm 2018 để chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên ngôi vị thứ hai thế giới. Trong khi đó, Mỹ vẫn xếp số 1 về thị phần thống trị trên 25 lĩnh vực, bỏ xa Trung Quốc để duy trì ngôi vị siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 74 lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, trên cơ sở so sánh và tính toán thị phần từng ngành trong hai năm 2018-2019 dựa trên ước tính của các tổ chức nghiên cứu khác nhau. 

Tờ Nikkei Asian Review chỉ ra Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí và giá để thu hẹp khoảng cách với Mỹ bất chấp cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài suốt 2 năm qua. 

Trong khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tăng cường sức ép lên ngành công nghệ Trung Quốc thông qua các biện pháp hạn chế xuất khẩu cũng như gây áp lực buộc các đồng minh hạn chế sử dụng thiết bị viễn thông, smartphone và camera an ninh từ Trung Quốc, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia.


NTTD
Cùng chuyên mục