Mỹ tăng lãi suất mạnh nhất 2 thập kỷ: Nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam có đáng ngại?

06/05/2022 11:24 GMT+7
Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mức cao kỷ lục trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam trước mắt mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Ngày 04/05/2022 (giờ Mỹ), sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản – mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2020.

Đồng thời, Fed cũng công bố kế hoạch cắt giảm quy mô tài sản đang nắm giữ (mỗi tháng giảm khoảng gần 50 tỷ USD từ tháng 6/2022) từ mức gần 9.000 tỷ USD hiện nay (chủ yếu gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà ở).

Fed tăng lãi suất: Tác động không nhiều song đã dần rõ nét

Đánh giá về tác động từ động thái nâng lãi suất thêm 50 điểm % này của Fed đối với kinh tế - tài chính toàn cầu, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, về ngắn hạn sẽ không gây nhiều tác động do đây là việc được thực hiện theo lộ trình và đã được thị trường kỳ vọng từ trước (theo CME Group khả năng Fed tăng 50 điểm đã lên tới 99% trước thềm phiên họp).

Thị trường hiểu rằng Fed đang có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc kiềm chế lạm phát và cũng tránh gây ra suy thoái kinh tế; trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn còn kéo dài và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đang giảm đà phục hồi kinh tế thế giới.

Về trung hạn, nhìn chung việc Fed dự kiến tăng lãi suất khoảng 7 lần trong năm 2022, lên mức khoảng 2,75-3% vào cuối năm và tăng khoảng 2-3 lần năm 2023, sẽ khiến 2 chi phí vốn và trả nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao, và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái (stagflation)…

Các chuyên gia cho rằng, điểm tích cực ở đây là khả năng suy thoái đối với kinh tế Mỹ và diện rộng toàn cầu sẽ khó xảy ra khi chính sách tiền tệ được dự báo ở thế chủ động, ôn hòa và linh hoạt và những bất ổn hiện tại (xung đột địa chính trị, chiến lược Zero Covid của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu….) sẽ giảm dần.

Mỹ tăng lãi suất mạnh nhất 2 thập kỷ: Nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam có đáng ngại? - Ảnh 1.

Tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính từ việc Fed tăng lãi suất mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Đối với Việt Nam, trước mắt, tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần Fed tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 4,25% so với ngày 16/3.

Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.

4 phương diện chịu tác động rõ nét

Báo cáo đánh giá của TS.Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đã chỉ ra rằng, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế - tài chính Việt Nam trên ít nhất là 4 phương diện.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nhóm chuyên gia nêu rõ: Việc Fed và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên (khiến doanh nghiệp, người dân cân nhắc đầu tư, tiêu dùng, nhất là bằng vốn vay nhiều hơn), nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm. Từ đó làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do đồng USD đến hết ngày 5/5/2022 đã tăng gần 7% so với cuối năm 2021; dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD), góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá; nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4-8 tỷ USD); và NHNN kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8-1,2%.

Mỹ tăng lãi suất mạnh nhất 2 thập kỷ: Nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam có đáng ngại? - Ảnh 3.

Nguồn: BSC

Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.

Theo Bản tin nợ công của Bộ Tài chính tháng 3/2022, trong tổng trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD năm 2020, phần trả nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 3,1% (3,5 tỷ USD quy đổi), còn lại là nợ của doanh nghiệp (109,1 tỷ USD quy đổi - chiếm 96,9%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI - chiếm khoảng 75% theo số liệu ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV từ một báo cáo liên quan khác).

Do không có số liệu về cơ cấu vay ngoại tệ của Việt Nam, Nhóm tác giả giả định Chính phủ vay 40% là bằng đồng USD, doanh nghiệp vay 60-70% là bằng USD, còn lại là bằng ngoại tệ khác. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.

Cuối cùng, tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, khi Fed tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước.

"Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại TTCK Việt Nam trong năm 2022, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực", nhóm tác giả nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo nhà đầu tư ngoại rút vốn (nếu có) sẽ không nhiều đối với thị trường Việt Nam (4 tháng đầu năm, khối ngoại chỉ bán ròng gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 110 triệu USD) do Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao khoảng 6-6,5% giai đoạn 2022-2023, đồng thời kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định (lạm phát kiểm soát khoảng 4%, thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng nhưng trong tầm kiểm soát).

Huyền Anh
Cùng chuyên mục