Mỹ đưa ra đề xuất dừng các hành động gây hấn trên Biển Đông trong hội nghị của ASEAN với các đối tác vừa diễn ra ở Myanmar, nhưng đề xuất này vấp phải phản ứng lạnh nhạt từ Trung Quốc.
Một ngày sau, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ khẳng định: “Biện pháp tiếp theo là đánh giá các cuộc gặp đã được lên kế hoạch trong vài tuần tới giữa các nhóm công tác và quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc để thảo luận những biện pháp nào tương đương với việc đóng băng hành động. Chúng tôi cũng sẽ giám sát tình hình thực tế quanh các bãi đá, rạn san hô và bãi cạn trên Biển Đông”.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
Tăng cường quân đồn trú tại Australia
Cùng ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vừa đến Sydney để thảo luận với các quan chức Australia về tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh mạng.
Australia là một trong những nước ủng hộ đề xuất của Mỹ tại hội nghị của ASEAN hồi cuối tuần qua tại Myanmar. Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop trở về nước cùng ông Kerry để chuẩn bị cho kế hoạch hành động tiếp theo sau các cuộc đối thoại ở Myanmar, trong đó có các cuộc gặp sắp tới giữa các thành viên ASEAN với Trung Quốc.
Bà Bishop chủ trì phiên Tham vấn cấp bộ trưởng Australia - Mỹ tại Sydney, với vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh mạng dự kiến được chú trọng cùng với tình hình Iran và Ukraine.
Ông Hagel cho biết, các cuộc đối thoại sẽ có thảo luận về hợp tác công nghệ tên lửa đạn đạo, an ninh mạng và an ninh hàng hải. Các bộ trưởng sẽ ký một thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đồng ý trước đó về việc triển khai lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tới Australia để tập trận chung và huấn luyện trong một số lĩnh vực, như cứu trợ thảm họa.
“Điều đó sẽ mở rộng hợp tác của chúng tôi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ cam kết với ASEAN tới quan hệ hợp tác ba bên mà chúng tôi đang phối hợp với Nhật Bản”, ông Hagel nói trong cuộc họp báo, đồng thời tái khẳng định Mỹ cam kết chắc chắn với chính sách tái cân bằng ở khu vực.
“Chúng tôi có lợi ích ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục có lợi ích ở đây, chúng tôi là một cường quốc Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Khoảng 1.150 lính thủy đánh bộ Mỹ đang đồn trú ở thành phố Darwin của Australia, theo một thỏa thuận đạt được năm 2011, khi Tổng thống Obama bắt đầu triển khai chính sách “xoay trục” chiến lược sang khu vực châu Á đang phát triển nhanh.
Số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (nhiệm vụ chủ yếu là phản ứng với xung đột khu vực và khủng hoảng nhân đạo) dự kiến tăng lên 2.500 vào năm 2017. Một số báo cáo nói rằng, Mỹ có kế hoạch đưa thêm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom sang Australia trong thời gian tới.
Phản ứng của Trung Quốc
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm qua đăng bài cảnh cáo Mỹ: “Với hành động thổi bùng ngọn lửa, Washington đang khiến những nước như Philippines và Việt Nam có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, làm tăng ngờ vực về mục đích thực sự của Mỹ và gây khó khăn cho việc đạt được một giải pháp thân thiện”.
Bài bình luận cũng viết: “Một thực tế đau đớn là Chú Sam đẩy quá nhiều nơi vào cảnh hỗn loạn sau khi họ can dự vào, như điều mọi người đang chứng kiến ở Iraq, Syria và Libya”, và rằng “biển Đông không được trở thành nơi tiếp theo”.
(Theo Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.