Mỹ và kế hoạch tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân

Thứ tư, ngày 27/05/2020 20:30 PM (GMT+7)
Tờ Lao động nước Nga mùa hè năm 1948 đưa tin, để ép buộc Chính phủ Liên Xô phải bãi bỏ lệnh phong tỏa đối với Tây Berlin, nước Mỹ đã từng nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Liên Xô.
Bình luận 0

Nhiều tài liệu mật mà Cơ quan Tình báo Liên Xô vừa công bố cho thấy, năm 1948 Liên Xô đã có được các bản kế hoạch tuyệt mật của quân đội Mỹ triển khai diễn tập tác chiến với tình huống giả định là tấn công hạt nhân vào Liên Xô.

Mỹ và kế hoạch tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Chút nữa đã có một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1948.

Vì sao Mỹ đề ra kế hoạch tấn công này? Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nước Đức chia làm đôi: Tây Đức và Đông Đức. Tháng 6/1948, việc cải cách tiền tệ ở Tây Đức đã thổi bùng lên nguy cơ một cuộc chiến trên cả lĩnh vực chính trị và quân sự cực kỳ nghiêm trọng.

Do lo lắng một lượng tiền lớn sẽ "tấn công" vào Đông Đức, Liên Xô đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nối với Tây Đức. Trước tình hình như vậy nước Mỹ đã yêu cầu Liên Xô phải hủy bỏ lệnh phong tỏa này, đồng thời lập tức cho triển khai một loạt các hành động quân sự như điều 30 máy bay ném bom chiến lược có mang vũ khí hạt nhân đến Ireland.

Trước khi chuẩn bị tiến hành tấn công Liên Xô, Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc diễn tập quân sự trên quy mô lớn với khẩu hiệu "ủng hộ nước Đức". Cuộc diễn tập này được xem như chốt lại các động thái chuẩn bị tấn công cũng như việc xem xét những hiệu quả và hậu quả do việc tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Theo như bản báo cáo về cuộc diễn tập cho biết, cái cớ mà Mỹ muốn đưa ra khi tấn công Liên Xô là nhằm mục đích gìn giữ hòa bình thế giới.

Về phương thức tấn công, Mỹ sẽ tấn công bằng đường không với các loại máy bay chiến đấu xuất phát từ Anh, Bắc Ireland, Cairo của Ai Cập, một số căn cứ tại Nhật bay vào Liên Xô. Nếu tiến trình kế hoạch tấn công đúng như dự định thì sau 15 ngày nước Mỹ sẽ có "kết quả như mong đợi". Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng cũng cảnh báo chính quyền Washington những điều khó lường tại chiến trường Nga, do vậy bản kế hoạch cũng nêu ra cả những tình huống ngoài ý muốn.

Điều này đã được các chiến lược gia kỳ cựu của nước Mỹ phân tích và đánh giá, theo họ việc tấn công Liên Xô luôn khiến họ có những cảm giác bất an. Nó được nhìn nhận cụ thể qua một số tình huống: Thứ nhất, có rất ít các máy bay dẫn đường thông thuộc hết địa hình Liên Xô, số lượng các mục tiêu cụ thể cũng chưa được xác định chuẩn xác. Thứ hai, nước Mỹ lúc đó cũng không thể có một nền kinh tế đủ mạnh để có thể duy trì các hành động quân sự cho tới lúc giành thắng lợi cuối cùng. Thứ ba, người Mỹ nói chung cũng như các phi công chiến đấu Mỹ và phương Tây rất sợ hệ thống phòng không cực mạnh của Liên Xô, chính vì điều này mà các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng để giành thắng lợi bằng đường không là điều  vô cùng khó, thậm chí nếu không tỉnh táo nước Mỹ có thể sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.

Theo bản cáo cáo của cơ quan quân sự Mỹ, vào thời điểm đó, riêng Không quân Mỹ có 567 máy bay ném bom B-20; 45 máy bay ném bom B-50; ngoài ra còn có rất nhiều máy bay ném bom hạng nặng B-36, tất cả các loại máy bay kể trên đều có thể xuất phát từ các căn cứ của Anh, Ai Cập, Bắc Ireland... để tiến hành tấn công các trung tâm công nghiệp lớn, các ngành công nghiệp chủ lực của Liên Xô, Sau đó quay trở về các căn cứ.

Thế nhưng có một điều là, vào thời điểm đó (mùa hè năm 1948), trong số tất cả những máy bay ném bom chiến lược của Mỹ thì chỉ có 32 chiếc là có đủ sức mang theo bom hạt nhân. Cho đến cuối năm 1948, con số các máy bay có đủ khả năng mang theo bom hạt nhân mới lên tới con số 60 chiếc, và vào năm 1950 đã có thêm 250 chiếc máy bay nữa gia nhập hàng ngũ những chiếc máy bay có thể mang bom hạt nhân.

Sở dĩ số lượng các loại máy bay ném bom chiến lược có thể mang theo bom hạt nhân của Mỹ tăng nhanh như vậy là vì, vào tháng 8/1949, Liên Xô đã lần đầu tiên thử thành công bom nguyên tử. Chính điều này khiến nước Mỹ ngày càng ráo riết hơn trong việc chuẩn bị một cuộc chiến tranh hạt nhân, với phương châm định dùng hạt nhân để đánh đòn phủ đầu, kiềm chế không cho các nước khác có thể theo kịp mình về công nghệ vũ khí này.

Cùng thời kỳ này số lượng bom nguyên tử của nước Mỹ cũng vì thế mà tăng chóng mặt. Nếu như trong năm 1947, nước Mỹ chỉ có 25 quả bom nguyên tử thì tới năm 1953, số lượng đã tăng lên con số tròn 100 và có thể thấy chính "kết luận" của bản báo cáo cuộc diễn tập "ủng hộ nước Đức" đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử.

Bản báo cáo có đoạn viết rằng: "Muốn giành thắng lợi bằng các cuộc không kích chiến lược cần có một lượng máy bay ném bom chiến lược rất lớn cùng với một lượng bom tương đương, chỉ có ném bom ngày càng dữ dội nhất mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh".

Sau sự kiện "nguy cơ Berlin" một tháng, một ủy ban chuyên trách của nước Mỹ đã được thành lập nhằm tính toán những tổn thất mà Liên Xô sẽ phải hứng chịu, khi nước Mỹ tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Kế hoạch tấn công này dự tính diễn ra trong 1 tháng nhằm san phẳng khoảng 70 trung tâm công nghiệp nặng và các cơ sở công nghiệp có liên quan tới quốc phòng, tiêu diệt khoảng 30-40% cơ sở hạ tầng công nghiệp, và ước tính có khoảng 3.000.000 người sẽ chết ngay; 4.000.000 sẽ chết dần mòn sau đó vì ảnh hưởng bởi chất độc, chất phóng xạ; 28.000.000 người sẽ rơi vào cảnh không nhà cửa. Như vậy có thể thấy, cho dù nước Mỹ có giành được thắng lợi, nhưng chưa chắc đã có thể ngăn cản bước tiến của quân đội Liên Xô tiến vào Tây Âu...

Những người làm ra bản báo cáo này cho biết, Liên Xô có thể bị mất đi hầu hết các cơ sở công nghiệp, nhưng khi chiếm được Tây Âu họ lại sẽ có những cơ sở công nghiệp khác cũng tiên tiến chẳng kém gì.

Thấy trước được tình hình như vậy Bộ Tham mưu quân đội Mỹ đã quyết định phủ quyết kế hoạch dùng bom nguyên tử tấn công Liên Xô.

Nguyễn Hòa (Theo ANTT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem