Mỹ-Triều Tiên đã đến lúc phải chơi bài ngửa với nhau

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 04/03/2019 19:00 PM (GMT+7)
Mỹ và Triều Tiên đã đến lúc phải chơi bài ngửa với nhau trên 4 nội dung là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Mỹ dỡ bỏ những biện pháp chính sách cấm vận và trừng phạt Triều Tiên cũng như Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Mỹ sẽ vừa hậu thuẫn vừa giám sát việc Triều Tiên và Hàn Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoà bình và hoà giải trong khi vừa tranh thủ Trung Quốc khi cần thiết lại vừa kiềm chế Trung Quốc can dự quá sâu hay cản phá tiến trình giữa Mỹ và Triều Tiên.
Bình luận 0

img

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên gặp nhau ngày 28.2 tại Hà Nội.

Cuộc thượng đỉnh lần thứ hai trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên đã qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đã rời Hà Nội về nước. Ngoài những phát biểu của ông Trump cho rằng "thà chưa có còn hơn có một thoả thuận không tốt" và phát ngôn của thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên rằng ông Kim Jong-un có thể "nản lòng" về đàm phán với phía Mỹ, tất cả mọi biểu hiện ở cả hai phía đều cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục cùng nhau bước về phía trước trong tiến trình hoà bình và hoà giải, vẫn thiện chí và sẵn sàng tiếp tục thương thảo cũng như vẫn cùng nhau hướng tới cuộc tái ngộ nhau lần nữa của ông Trump và ông Kim Jong-un trong tương lai không xa.

Cuộc gặp ở Hà Nội đã giúp cho hai bên hiểu nhau hơn về những nội dung chính như phi hạt nhân hoá và dỡ bỏ những biện pháp của Mỹ cấm vận và trừng phạt Triều Tiên. Hai bên biết hiện tại có thể nhất trí được với nhau những gì và điều quan trọng quyết định hơn cả là tới đây phải tháo gỡ những nút thắt nào. Đối với Triều Tiên, vấn đề đặt ra là phi hạt nhân hoá như thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu của Mỹ vừa đảm bảo Mỹ cũng phải đáp ứng tương xứng những đòi hỏi của Triều Tiên.

Đối với Mỹ, vấn đề đặt ra là nhượng bộ cho Triều Tiên những gì trên phương diện gỡ bỏ các biện pháp cấm vận và trừng phạt Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh cho Triều Tiên như Triều Tiên yêu cầu để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hoá như Mỹ mong muốn. Phi hạt nhân hoá Triều Tiên theo cách hiểu của Mỹ bao hàm tiêu huỷ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của chương trình hạt nhân của Triều Tiên và xoá bỏ kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Triều Tiên. Tức là Mỹ và Triều Tiên sẽ nhượng bộ lẫn nhau ở mức độ nào theo lộ trình nào với biện pháp, cơ chế kiểm chứng nào.

Ông Trump và ông Kim Jong-un luôn tỏ ra thân thiện và thân mật mỗi khi gặp nhau cũng như chia tay nhau. Người này đề cao và tạo thế cho người kia. Ở đây có sự pha trộn giữa thành thật và khiên cưỡng. Thành thật vì họ không còn hoàn toàn không biết gì về nhau. Khiên cưỡng vì họ ở trong tình trạng cần đến nhau. Ông Trump muốn giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hoặc ít nhất cũng mở ra được lối đường đi tới giải pháp ngay trong thời gian của nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại này làm vốn và một trong những bảo bối chiến lược cho chuyện tái đắc cử tổng thống trong năm 2020.

Ông Kim Jong-un thấy rằng cơ hội đưa lại chuyển biến cơ bản trong quan hệ của Triều Tiên với Mỹ ở thời ông Trump cầm quyền ở Mỹ thuận lợi và thực tế hơn hẳn so với trước và phải tranh thủ thời cơ để làm việc ấy chừng nào ông Trump còn cầm quyền ở Mỹ. Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020 thì sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để giải quyết chuyện này.

Ở Hà Nội, ông Trump và ông Kim Jong-un làm cho nhau hiểu là từng bên phải làm gì. Họ chưa nhất trí được với nhau về lộ trình vì thực sự chưa đủ mức tin cậy lẫn nhau. Cho nên, Mỹ và Triều Tiên sau cuộc thượng đỉnh này sẽ phải tập trung trước hết vào 3 việc mà lại còn phải tiến hành đồng thời là gây dựng lòng tin, nhất trí về lộ trình và thực thi ngay lộ trình ấy. Lộ trình có thể chưa được hoàn chỉnh nhưng phải kiên định định hướng và hàm chứa những bước đi cụ thể để hai bên thực hiện sao cho có thể dùng kết quả để gây dựng và củng cố lòng tin lẫn nhau.

So với ba việc ấy, những động tác được thiên hạ đề cập đến nhiều nhân cuộc thượng đỉnh ở Hà Nội là tuyên bố về chấm dứt tình trạng chiến tranh hay lập văn phòng liên lạc của bên này ở bên kia, tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Triều Tiên hay bắt đầu hợp tác về văn hoá, giáo dục, đào tạo..... có tác dụng quan trọng nhưng không phải với ý nghĩa quyết định.

Mỹ và Triều Tiên đã đến lúc phải chơi bài ngửa với nhau trên 4 nội dung là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Mỹ dỡ bỏ những biện pháp chính sách cấm vận và trừng phạt Triều Tiên cũng như Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Mỹ sẽ vừa hậu thuẫn vừa giám sát việc Triều Tiên và Hàn Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoà bình và hoà giải trong khi vừa tranh thủ Trung Quốc khi cần thiết lại vừa kiềm chế Trung Quốc can dự quá sâu hay cản phá tiến trình giữa Mỹ và Triều Tiên.

Sau cuộc cấp cao ở Hà Nội, ông Trump và ông Kim Jong-un đều cho thấy được khích lệ bởi nhận thức chung là cách thức ngoại giao của họ là hiệu quả và định hướng được họ xác định cho tiến trình là đúng. Vì thế, nếu rồi đây hai người này không chóng vánh gặp lại nhau thì cũng không phải là chuyện lạ và cũng không phải vì tiến trình bị trì trệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem