Chạy dọc theo Quốc lộ 1A, tới huyện Chi Lăng - nơi được coi là thủ phủ của na xứ Lạng. Nếu không để ý khách đi đường chỉ thấy vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu át đi màu đen của sườn núi đá tai mèo. Đó chính là màu lá của hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá. Như một cuộc hẹn, hàng năm cứ vào đầu tháng 8 người trồng na ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn lại nhộn nhịp, phấn khởi bước vào vụ thu hoạch.
Tại các phiên chợ, các điểm tời nơi đón những sọt na "bay vèo" từ trên núi xuống đông đảo bà con và thương lái cùng nhau ngã giá những giỏ na mắt đang mở căng, chuyển mình trắng hồng.
Nghề trồng na ở xứ Lạng chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Tại đây người người trồng na, nhà nhà trồng na. Mỗi gia đình trung bình có 400 - 1.000 gốc, thậm chí hơn 1.000 gốc. Na chín thường rất rộ, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng là hết, nhưng hiện tại người dân đã có kỹ thuật thụ phấn để kéo dài thời gian thu hoạch, nhờ đó năng suất và chất lượng tăng lên.
Chị Lăng Thị Phú thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: Nhà tôi bắt đầu trồng na từ năm 1991, nhưng do cây đã già cỗi nên năng suất thấp. Mấy năm gần đây gia đình tôi tiến hành trồng lại và chăm sóc có kỹ thuật hơn nên năng suất và chất lượng na dần tăng lên. Na năm nay quả to đều và đẹp. Với hơn 1.000 gốc na, năm nay sản lượng ước tính đạt 8-10 tấn. Hiện tại mới đầu mùa thương lái thu mua của gia đình tôi bán với giá 40.000/kg đối với những quả na to, đẹp, na loại 1.
Mọi người không chỉ ấn tượng với những trái na to, ngon, cùi dày, vị ngọt, mà còn bởi cách thu hái của đồng bào vùng ải Chi Lăng. Để vận chuyển na từ những đỉnh núi đá, người dân đã tạo ra những chiếc ròng rọc chạy xuống tận chân núi. Thậm chí nhiều hộ dân đã góp tiền làm những ròng rọc dài tới cây số để đưa na về tận nhà, bảo đảm trái na được vận chuyển đi tiêu thụ nhanh chóng mà không bị dập, nát.
Để hái được na, người dân phải mất hàng giờ leo núi đá. Thời gian này đang là mùa mưa khiến cho việc thu hoạch càng thêm vất vả. Sau hơn một giờ đi bộ từ nhà ở thị trấn Chi Lăng lên nương, chị Hiên (46 tuổi), bắt tay vào hái na cho đến khi đầy hai sọt khoảng 45 kg thì mang về nhà để kịp thương lái cân.
Dù mới vào mùa nhưng na đã được bán tấp nập từ chợ ra đến mặt đường. Là vựa na lớn nhất cả nước với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm phân bố chủ yếu ở nhiều địa phương như xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao... Na Chi Lăng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và các quốc gia lân cận.
Với đặc thù canh tác của địa phương là đất xen núi đá đã tạo ra giống na Chi Lăng trứ danh vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Có những quả na rất lớn có khối lượng từ 800 gram đến hơn 1kg. Tuy nhiên, nhiều người dân trồng na cho biết, mỗi vườn cũng chỉ có khoảng vài quả và cũng hiếm khi mua được.
Na tại các khu chợ, con phố được lái buôn từ khắp các tỉnh miền Bắc về tận nơi thu mua từng người bán rồi mang ra điểm tập kết đóng hàng chuyển đi. Quả na tập kết ở đây chủ yếu là na ương, chỉ sau vài giờ hái sẽ chín mở mắt.
Na được đóng vào các thùng xốp có lót giấy báo cẩn thận, sau đó được xếp lên từng xe tải để chuyển đi các tỉnh khắp miền Bắc. Khối lượng mỗi thùng na sau khi được đóng gói cẩn thận khoảng từ 20-30kg/ thùng.
Bà Hòa (một đầu mối na tại chợ Chi Lăng) cho biết, mỗi năm nhà làm đầu mối thu mua hơn 10 tấn na, giá bán na khá phong phú tùy thuộc vào từng loại khác nhau, quả na càng lớn giá càng đắt. Na năm nay quả to đều và đẹp, đặc biệt na đã được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn.
"Với những hàng loại 1 như vậy hiện tại tôi cân với giá 40.000 đồng/kg, còn những loại bé thì cân thấp một chút. Quả có đều đẹp nông dân vui mà chúng tôi cũng phấn khởi" - bà Hoà nói.
Na được các thương lái thu mua và vận chuyển và tiêu thụ tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, thậm chí nhiều chuyến hàng được vận chuyển qua Trung Quốc.
Na Chi Lăng nổi tiếng bởi sự thơm ngon, chắc thịt, ít hạt và hàm lượng dinh dưỡng cao. Để cây na sinh trưởng tốt, người dân phải bỏ công chăm sóc trong 1-2 năm đầu rồi sau đó thụ phấn, tỉa cành cho cây đậu quả và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Những chuyến xe chở na đến và đi mang theo niềm vui phấn khởi của cả người nông dân và thương lái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.